Triển khai Nghị định 67 được hơn một năm, đến nay kết quả vẫn chưa như mong muốn, nhiều ngư dân tỉnh Bình Định vẫn chưa được thụ hưởng chính sách. Vấn đề này là một trong những ưu tiên tìm kiếm và đề xuất giải pháp từ Hiệp hội Thủy sản Bình Định.
Kết quả
Qua hơn 1 năm triển khai Nghị định 67, đến nay, tỉnh Bình Định đã phê duyệt 2 đợt danh sách với 76 trường hợp đủ điều kiện vay vốn đóng 48 tàu vỏ thép, 3 tàu vỏ composite, 24 tàu vỏ gỗ và 1 tàu vỏ gỗ bọc composite, 1.442 tàu cá đủ điều kiện đăng ký để được hưởng chính sách bảo hiểm. Ngoài ra, Sở NN&PTNT đã phê duyệt và công bố 2 thiết kế mẫu tàu vỏ gỗ hành nghề câu kiêm mành chụp và mẫu tàu vỏ gỗ nghề vây khơi do Trường Đại học Nha Trang thiết kế. Đây là cơ sở để ngư dân và các chủ cơ sở đóng tàu trong tỉnh lựa chọn và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ký hợp đồng đóng tàu mới. Tuy nhiên, đến nay kết quả vẫn chưa như mong đợi. Trong đó, đối với 48 trường hợp đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu vỏ thép, hiện chỉ mới 35 chủ tàu đã ký hợp đồng (30 chủ tàu đã ký chính thức, 5 chủ tàu ký hợp đồng nguyên tắc) với các cơ sở đóng tàu trong nước; 10 chủ tàu chưa ký hợp đồng và 3 chủ tàu xin rút không tham gia. Toàn tỉnh Bình Định mới có 4 chủ tàu đã được vay vốn đóng tàu.
Ảnh: Trịnh Thu Nguyệt
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, với tàu vỏ gỗ, vỏ composite, vỏ gỗ bọc composite do chưa có thiết kế mẫu, UBND tỉnh Bình Định đã chủ trương cho Sở NN&PTNT thuê đơn vị tư vấn, lập thiết kế mẫu tàu gồm 2 mẫu tàu vỏ gỗ, 2 mẫu tàu vỏ composite, 2 mẫu tàu vỏ gỗ bọc composite cho các nghề khai thác xa bờ chủ lực của tỉnh. Với ngư cụ, hiện nay chưa có định mức, dự toán ngư lưới cụ làm cơ sở triển khai thực hiện. Tỉnh Bình Định chủ trương cho Sở NN&PTNT thuê đơn vị tư vấn, thiết kế mẫu và lập dự toán giá thành cho 3 nghề khai thác xa bờ chủ lực. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính, Sở NN&PTNT, UBND các địa phương lập dự trù kinh phí bảo hiểm năm 2015 là 69,323 tỷ đồng. Phối hợp tuyên truyền chính sách bảo hiểm theo Nghị định 67 đến ngư dân, hướng dẫn các chủ tàu thành lập tổ đoàn kết trên biển để đảm bảo điều kiện hỗ trợ theo quy định. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 391 tổ đoàn kết sản xuất với 1.561 tàu tham gia.
Gỡ khó cho ngư dân
Quá trình triển khai, nhiều ngư dân đã đăng ký đóng mới, nâng cấp, cải hoán, tàu cá để phát triển khai thác xa bờ, tuy nhiên kết quả đạt được so với yêu cầu còn chậm, do nhận thức của ngư dân còn hạn chế, những vướng mắc về cơ chế, chính sách chậm được tháo gỡ.
Ông Nguyễn Hữu Hào, Chủ tịch Hiệp hội cho biết, nguyên nhân chậm tiến độ là do giá đóng tàu cao, các cơ sở đóng tàu khác nhau có giá khác nhau, nhưng không có cơ sở để xác định giá trị thực, gây khó khăn cho người dân và ngân hàng trong việc lựa chọn. Thủ tục, hồ sơ vay vốn đóng tàu phải qua nhiều khâu, xây dựng phương án sản xuất… mất nhiều thời gian, ngư dân chưa quen với thủ tục này. Vốn đối ứng của ngư dân còn thiếu, một số ngư dân không đảm bảo vốn theo quy định. Nhận thức của ngư dân về chính sách còn hạn chế, trong khi đó, thiết kế và dự toán giá thành đóng tàu chưa đáp ứng yêu cầu của ngư dân đối với tàu vỏ thép thiết kế mẫu tàu vỏ thép. Việc thiết kế tàu vỏ gỗ, xây dựng còn mất nhiều thời gian, thẩm định thiết kế mẫu chưa rõ ràng.
Trước những khó khăn trên, ông Nguyễn Hữu Hào kiến nghị, với tàu vỏ thép, để tạo thuận lợi đẩy nhanh tiến độ, đối với trường hợp thay đổi thiết kế mẫu, đề nghị Bộ NN&PTNT giao cho các Sở thành lập hội đồng thẩm định để thẩm định, phê duyệt lại thiết kế trên cơ sở mẫu tàu đã được phê duyệt. Đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hướng dẫn chỉ đạo ngân hàng thương mại tự thẩm định để xác định giá trị thực của con tàu và mức vay của chủ tàu. NHNN bố trí vốn đầu tư các hạng mục hạ tầng thiết yếu của cảng cá, khu neo đậu tránh bão cho tàu cá địa phương để đảm bảo phục vụ cho các tàu đóng mới, nâng cấp, thẩm định các hồ sơ đã ký hợp đồng đóng tàu, quy định thời gian thẩm định để đẩy nhanh tiến độ.
>> UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Sở NN&PTNT lập dự trù kinh phí thực hiện các chính sách khác theo Nghị định, bao gồm hỗ trợ chi phí đào tạo hướng dẫn thuyền viên vận hành tàu vỏ thép… với tổng kinh phí 73,418 tỷ đồng (nhu cầu kinh phí hỗ trợ bảo hiểm 69,323 tỷ đồng, chi phí hỗ trợ đào tạo 1,394 tỷ đồng, chi phí vận chuyển hàng hóa với tàu dịch vụ hậu cần 2,7 tỷ đồng). |