Hiệp hội Thủy sản Đồng Tháp: Nhiệm kỳ mới, tư duy mới

Chưa có đánh giá về bài viết

Hiệp hội Thủy sản Đồng Tháp trong nhiệm kỳ II (2007 – 2014) đã xây dựng, củng cố phát triển tổ chức hội, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động nuôi trồng, chế biến – xuất khẩu cá tra.

Nhiều hoạt động hiệu quả

Hiệp hội xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế, phát triển về tổ chức, xây dựng các chương trình trọng điểm nghề cá, phối hợp với các cơ quan chức năng và có nhiều ý kiến đề xuất quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) phù hợp với tình hình địa phương. Nhiệm kỳ qua, Hiệp hội đã giới thiệu 286 hội viên vay vốn sản xuất hơn 203,85 tỷ đồng; doanh nghiệp chế biến hợp đồng tiêu thụ 159.000 tấn cá tra. Tham gia liên kết với Viện Nghiên cứu NTTS II nhằm thay đổi đàn cá bố mẹ chất lượng cải thiện di truyền giai đoạn 2007 – 2010. Hiệp hội được Viện Nghiên cứu NTTS II cung cấp hỗ trợ 65.000 con bố mẹ hậu bị cải thiện di truyền. Kiến nghị những phản ánh, khó khăn của người nuôi với lãnh đạo UBND tỉnh về những bất cập trong chuỗi sản xuất cá tra như chính sách thuế, tín dụng, đất đai… Tham gia với Sở NN&PTNT, Sở Công thương, thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại mở rộng thị trường nội địa, nhằm giảm áp lực xuất khẩu cá tra và tiêu thụ các đối tượng thủy sản khác, tổ chức triển khai Nghị định 36 của Chính phủ; vận động xây dựng thí điểm chuỗi liên kết dọc cá tra, mô hình liên kết ngang (tổ hợp tác, Hợp tác xã) nhằm tạo ra vùng nuôi mạnh để dễ liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp. Hiệp hội phối hợp với địa phương vận động các cơ sở nuôi các đối tượng thủy sản khác, liên kết thành lập được 4 Hợp tác xã thủy sản, 2 Câu lạc bộ nuôi cá lóc trên bể bạt. Các hoạt động tư vấn phản biện xã hội, khoa học kỹ thuật. Vận động hội viên thực hiện nuôi cá tra theo các tiêu chuẩn an toàn chất lượng… Tính đến nay tổng diện tích vùng nuôi cá tra áp dụng tiêu chuẩn ASC, GlobalGAP, BAP, VietGAP, là 932,48 ha/1.250 ha, chiếm khoảng 74,6% trên tổng diện tích vùng nuôi của tỉnh. Trong đó diện tích áp dụng VietGAP là 562,13 ha.

Thu hoạch cá tra ở Đồng Tháp – Ảnh: Quang Quyết

 

Hướng đến hoạt động thực chất

Khó khăn chính của Hiệp hội là công tác xây dựng củng cố tổ chức còn yếu. Trong nhiệm kỳ mới, để đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng quy mô lớn, nâng chất lượng và giá trị sản phẩm, phải gắn kết chặt chẽ giữa các khâu sản xuất, nuôi trồng với chế biến tiêu thụ, cần phát triển các Hiệp hội chuyên ngành chuyên sâu trong từng lĩnh vực trực thuộc Hiệp hội, kết hợp xây dựng phát triển Hiệp hội theo địa phương, tập hợp lực lượng làm hậu cần dịch vụ vào Hiệp hội tạo thành một chuỗi liên hoàn. Do đó, cần có thời gian và có đội ngũ cán bộ tâm huyết; từng bước nâng cao nhận thức của hội viên về chức năng, nhiệm vụ của Hiệp hội, quyền lợi của hội viên và hội viên phải có trách nhiệm thực hiện tốt nghĩa vụ. Đặc biệt là sự quan tâm giúp đỡ của cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành bằng những cơ chế hỗ trợ thuận lợi…

Ông Thái An Lai, Chủ tịch Hiệp hội cho biết, trong nhiệm kỳ này, sẽ củng cố, phát triển tổ chức Hiệp hội và các hoạt động khác. Phối hợp với Hiệp hội Cá tra xây dựng các mô hình chuỗi giá trị liên kết trong sản xuất và tiêu thụ thủy sản và cá tra, khuyến khích tiêu thụ sản phẩm thủy sản thông qua hợp đồng. Kiện toàn bộ máy Hiệp hội từ tỉnh hội đến cơ sở theo hướng quản lý chặt chẽ, từng bước hoạt động thực chất hơn. Nâng chất lượng các tổ chức cơ sở hội hoạt động mạnh, hiệu quả đạt 30%; khá đạt 60%; trung bình đạt 10%, không có hội cơ sở hoạt động yếu kém. Mỗi năm thành lập mới từ 2 Chi hội/Hợp tác xã/Tổ hợp tác trở lên. Vận động các hộ nuôi thủy sản tham gia vào Hiệp hội đạt 10% trên tổng số hộ nuôi thủy sản của toàn tỉnh/năm 2016 và đạt 50% vào năm 2020.

>> Đến nay, Hiệp hội có 4 Hiệp hội cấp huyện, 1 Hiệp hội sản xuất cá tra giống, 16 Chi hội cấp xã,  10 doanh nghiệp thành viên (2 doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản) với tổng số 486 hội viên.

Dương Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!