(TSVN) – Thời gian gần đây, mặc dù gặp phải một số khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, dịch bệnh trên tôm và thời tiết nhiều biến động, nhưng một số hộ nuôi tôm với sự kiên trì và chịu khó đầu tư, nghiên cứu đã giúp vụ nuôi liên tiếp thành công.
Điển hình là hộ nuôi tôm của anh Nguyễn Văn Phương, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang đã đạt được hiệu quả nuôi liên tục nhờ lựa chọn con giống tốt và thực hiện đúng quy trình nuôi.
Bén duyên với nghề nuôi tôm từ khoảng 20 năm về trước, nhưng những năm gần đây, anh Phương mới thực sự làm giàu nhờ con tôm. Theo anh Phương, hai yếu tố quan trọng nhất trong nuôi tôm đó là con giống và môi trường nước. Thực tế trong những năm qua, anh đều lựa chọn con giống của doanh nghiệp lớn trên thị trường, điển hình là tôm giống của Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung, với thương hiệu uy tín, quy trình sản xuất rõ ràng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đây là cách đơn giản nhất để chọn lọc được giống chất lượng, có sức đề kháng cao và sạch bệnh.
Bên cạnh đó là phải quan tâm đến chất lượng nước. Anh Phương nhận định, “nuôi tôm là nuôi nước”, chất lượng nước là yếu tố cực kỳ quan trọng trong nuôi tôm; đây là yếu tố khó dự đoán và khó kiểm soát. Bằng việc áp dụng quy trình nuôi hai giai đoạn, anh cũng đã thực hiện nghiêm ngặt quy trình xử lý ao nuôi sạch và đảm bảo, đặc biệt đầu tư hệ thống xử lý nước đầu vào trước khi thả tôm. Cụ thể, nước ở ngoài được bơm vào 1 ao trữ nước, diện tích là 3.500 m2, tiếp đến là hai khu xử lý nước nhanh với tổng diện tích 4.500 m2, nước từ hệ thống này sẽ được chuyển sang ao chứa với diện tích 3.500 m2 và cuối cùng sẽ được đưa vào ao nuôi.
Vụ vừa rồi, anh Phương chỉ thả nuôi 1 ao với diện tích 1.500 m2. Tôm giống là của Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung, được thả với mật độ 300 – 350 con/m2. Tôm sau khi vận chuyển về được thả vào ao ương khoảng 20 – 25 ngày thì chuyển sang ao nuôi.
Trong quá trình nuôi, anh theo dõi thường xuyên chất lượng nước, sự thay đổi các yếu tố môi trường. Hàng ngày sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý đáy ao nuôi, hạn chế khí độc. Cùng đó, định kỳ 10 – 15 ngày sử dụng các sản phẩm Virkon A, Iodine… để diệt khuẩn nước ao, đảm bảo môi trường nước sạch cho tôm sinh trưởng. Những ngày thời tiết nắng nóng, anh bổ sung Vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho tôm. Hay vào thời điểm giao mùa, ngày nắng nóng xen kẽ mưa rào và dông, anh chủ động bón vôi khắp bờ ao khi trời chuẩn bị chuyển mưa. Bởi những cơn mưa đầu mùa xuất hiện đột ngột, làm cho các vật chất hữu cơ trên bờ trôi xuống ao nuôi, là nguyên nhân làm các yếu tố môi trường thay đổi. Ðồng thời hệ sinh thái môi trường ao nuôi bị phá vỡ, sức đề kháng, hệ miễn dịch trong cơ thể tôm nuôi bị giảm; tạo điều kiện cho một số loài vi khuẩn, virus gây bệnh trên tôm nuôi phát triển.
Sau 90 ngày nuôi, mặc dù với điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng với việc lựa chọn tôm giống chất lượng và kiểm soát môi trường nước chặt chẽ, tôm tăng trưởng tốt, trong 95 ngày, tôm về kích cỡ 30 con/kg với sản lượng 4,2 tấn.
Theo kinh nghiệm của anh Phương, để tôm đạt tỷ lệ sống cao và khỏe mạnh, tôm giống khi mua về được ương với thời gian khoảng một tối để quen với môi trường nước sau đó mới cho ra ao ương. Thời gian ương thường trung bình khoảng gần 1 tháng, khi tôm khỏe mạnh mới bắt đầu thả ra ao lớn để nuôi. “Tôm ương trong ao nhỏ trước để dễ quản lý sức khỏe cũng như các yếu tố môi trường ao nuôi, sau khoảng 1 tháng khi thấy tôm phát triển thì sang qua ao nuôi. Cách làm này tuy đòi hỏi thời gian và công sức nhưng ngược lại, tỷ lệ sống của tôm đạt rất cao. Hơn nữa, nếu như trong quá trình ương tôm có gặp vấn đề gì cũng dễ xử lý”, anh Phương chia sẻ thêm.
Kim Tiến