T2, 06/07/2020 09:46

Hiệu quả nuôi xen ghép tôm, cua, cá

Chưa có đánh giá về bài viết

(Tạp chí Thủy sản VN) – Nghề nuôi trồng thủy sản bắt đầu phát triển ở Quảng An và Quảng Phước thuộc đầm phá Tam Giang – Cầu Hai từ đầu những năm 90. Tôm sú được xem là đối tượng mục tiêu của hầu hết các hộ nuôi trồng thủy sản ở hai xã. Tuy nhiên từ năm 2003 thì tôm sú bắt đầu mang lại nợ nần cho người nuôi. Trong bối cảnh đó, vào năm 2005 người dân ở đây đã chuyển sang hình thức nuôi xen ghép giữa tôm, cua và cá.

Sau gần bốn năm kể từ khi những mô hình nuôi xen ghép đầu tiên được triển khai thực hiện, đến nay đã có một sự chuyển biến rõ rệt trong việc thay đổi phương thức nuôi. Số diện tích nuôi chuyên tôm ở cả hai xã đã giảm nhiều so với năm 2005 (biều đồ 1). Trong năm 2005 ở Quảng An chỉ có hoảng 2% diện tích NTTS  nuôi xen ghép, đến năm 2009, thì tỉ lệ diện tích nuôi xen ghép lên đến 90%. Tỉ lệ này ở xã Quảng Phước là 5% vào năm 2005 và 76% năm 2009.

Mô hình nuôi xen ghép mang lại hiệu quả ở phá Tam Giang

Cùng với sự chuyển đổi diện tích nuôi tôm sang nuôi xen ghép thì số hộ nuôi xen ghép đã tăng đáng kể trong 5 năm qua. Trong số hơn 300 hộ nuôi thủy sản ở mỗi xã vào năm 2005 thì chỉ có 6 hộ ở Quảng An và 16 hộ ở Quảng Phước nuôi xen ghép, con số này vào năm 2009 ở Quang An và Quảng Phước tương ứng là 189 và 238 hộ (Biểu đồ 2) .

Sự biến đổi về số hộ nuôi chuyên tôm và nuôi xen ghép ở Quảng Phước và Quảng An (Nguồn: Cán bộ phụ trách thủy sản của xã và chi hội nghề cá)

Có một mối tương quan giữa diện tích nuôi xen ghép và tỉ lệ hộ nuôi có lãi và tỉ lệ hộ bị lỗ (biếu đồ 3). Ở cả hai xã, trong năm 2005, chưa đến 10% số hộ có lãi thì đến 2009 số hộ có lãi đã lên đến trên dưới 60%.  So với năm 2005 thì tỉ lệ số hộ NTTS bị thua lỗ  giảm bốn lần, từ khoảng 80% trong năm 2005 xuống còn 20% trong năm 2009.

Xét trên nhiều khía cạnh khác nhau thì nuôi xen ghép đang là một giải pháp phù hợp với năng lực và khả năng tài chính của các hộ nuôi, đặc biệt là những hộ nghèo. Trong cùng một thời gian nuôi tương đương nhau thì nuôi chuyên tôm có thể mang lại thu nhập cũng như lãi ròng gần gấp ba so với nuôi xen ghép. Tuy nhiên các hộ nuôi tôm phải đầu tư một số tiền gấp 3 lần số tiền đầu tư để nuôi xen ghép trên cùng một diện tích nuôi. Nếu xét vệ hiệu suất đầu tư thì nuôi xen ghép đạt tỉ lệ lãi trên chi phí cao hơn. Tỉ lệ này ở nuôi xen ghép là 39.1% (4,750,00đồng/12,250 đồng), trong khi đó tỉ lệ này đối với nuôi chuyên tôm chỉ là 30,5% (Hộp 1)

Hiệu quả và tác động:

Rõ ràng, đối với những hộ nghèo thì việc đầu tư nuôi tôm sẽ gặp khó khăn hơn so với nuôi xen ghép do đầu tư quá lớn. Bên cạnh đó, mô hình nuôi xen ghép hạn chế được vấn đề rủi ro do độc canh. Thêm vào đó, nuôi xen ghép không cần phải sử dụng nhiều hóa chất như nuôi tôm bán thâm canh nên mô hình này được người dân cho rằng đã góp phần cải thiện vấn đề ô nhiễm nguồn nước NTTS.

Hiện nay các hộ nuôi thủy sản đang đối diện với một số khó khăn. Vấn đề thời gian nước ngọt kéo dài (nước mặn đến muộn) và ngọt cục bộ đã ảnh hưởng đến lịch mùa vụ của cá kình và tôm. Bên cạnh đó, giống cá kình và giống cua được đánh bắt từ tự nhiên đã hạn chế tính chủ động trong mùa vụ. Một vấn đề đáng quan tâm hơn là hiện nay rất nhiều hộ dân vẫn còn  ấp ủ mộng làm giàu từ nuôi tôm nên nếu có cơ hội họ sẽ đầu tư nuôi tôm trở lại. Để tránh tình trạng người dân lại ồ ạt nuôi tôm thì chính quyền địa phương cần có quy hoạch và khuyến cáo thích hợp để người dân không bị thua lỗ do nuôi tôm một lần nữa. 

Hồ Thị Thanh Nga

                (Khoa KN&PTNT, Đại học Nông lâm Huế)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!