Hội Nghề cá Việt Nam: Giai đoạn mới, chiến lược mới

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sau hơn 20 năm thành lập và đi vào hoạt động, Hội Nghề cá Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vai trò trong mọi hoạt động của ngành thủy sản, đặc biệt là bảo vệ và hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản. Bước sang thập kỷ mới, Hội có những chương trình, kế hoạch mới để hoạt động ngày càng hiệu quả và thiết thực hơn. Do vậy, Đại hội toàn quốc của Hội Nghề cá Việt Nam lần thứ V sắp tới sẽ được coi là bước khởi đầu quan trọng cho giai đoạn tới.

Tuân thủ nguyên tắc

Hội Nghề cá Việt Nam là tổ chức xã hội – nghề nghiệp được Bộ Nội vụ ký quyết định thành lập ngày 5/5/2000, mục đích tập hợp những cá nhân và tổ chức thuộc các thành phần kinh tế hoạt động trong các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến, tiêu thụ và hậu cần dịch vụ nghề cá; nhằm hỗ trợ, giúp đỡ nhau về kinh tế – kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người làm nghề cá Việt Nam.

Hội cũng đại diện bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên, ngư dân; thúc đẩy đàm thoại và đưa tiếng nói của ngư dân đến các nhà hoạch định chính sách, góp phần vào điều chỉnh và xây dựng chính sách đưa nghề cá phát triển bền vững, từng bước hội nhập quốc tế. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi thông tin giữa các tổ chức thành viên và các tổ chức khác, các cơ quan chức năng của Chính phủ về các vấn đề liên quan đến phát triển nghề cá bền vững ở Việt Nam; sẵn sàng hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước vì mục tiêu phát triển nghề cá bền vững.

Hội Nghề cá Việt Nam luôn đồng hành trong mọi hoạt động của cộng đồng ngư dân. Ảnh: Hải Hoàng

Tích cực bảo vệ ngư dân, giữ gìn vùng biển

Từ tôn chỉ mục đích, Hội Nghề cá Việt Nam luôn thực hiện tốt vai trò hỗ trợ ngư dân trong hoạt động sản xuất trên biển, cũng đồng thời là đảm bảo các “cột mốc sống” trên biển. Bên cạnh các đợt thăm hỏi ngư dân khi gặp sự cố, hỗ trợ kinh phí, Hội luôn kịp thời lên tiếng mỗi khi ngư dân hay vùng biển của nước ta bị xâm phạm.

Trong tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc đưa tàu xâm phạm lãnh hải cụm đảo Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là hành vi vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp, gây cản trở sản xuất và gây hoang mang về tâm lý cho ngư dân Việt Nam khi đi sản xuất trên biển. Hội Nghề cá Việt Nam đã mạnh mẽ lên tiếng phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút tàu cá khỏi các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng cũng như các tổ chức liên quan có biện pháp phản đối mạnh mẽ, yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt hành động ngang ngược vi phạm chủ quyền biển Việt Nam. Cùng đó, đề nghị cơ quan chức năng thường xuyên tăng cường các lực lượng chấp pháp trên biển để hỗ trợ và bảo vệ ngư dân khi hoạt động trên biển.

Hay như trước đó năm 2019 là sự phản đối nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc khi có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông (gần bãi Tư Chính) gây cản trở hoạt động khai thác hải sản của ngư dân tại vùng biển này. Bởi đây là vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

Thêm nữa, từ năm 1999, Trung Quốc hàng năm ngang nhiên tự ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trái phép trên Biển Đông. Thời gian cấm biển thường từ ngày 1/5 đến 16/8. Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, hành động đơn phương và phi lý của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm các quyền và lợi ích của Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế. Ngoài ra, việc ban hành lệnh cấm và kéo dài thời gian cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, gây nguy cơ đụng độ giữa lực lượng chấp pháp của Việt Nam và tàu cá của ngư dân Việt Nam với lực lượng hải cảnh phía Trung Quốc, cản trở hoạt động bình thường của tàu cá và ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối hành động sai trái, ngang ngược, đơn phương của phía Trung Quốc và khẳng định lệnh cấm đánh bắt cá trên của Trung Quốc là vô giá trị.

Bám sát sản xuất

Báo cáo tại cuộc họp đầu năm nay, ông Hoàng Đình Yên, Tổng Thư ký Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết: Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng Hội Nghề cá Việt Nam cùng các cấp Hội đã chủ động phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức nhiều hoạt động và động viên hội viên, kịp thời kiến nghị tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, hội viên và ngư dân, nông dân, góp phần đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thực hiện các nhiệm vụ của ngành thủy sản. Trung ương Hội, các tỉnh Hội, đơn vị trực thuộc Hội đã có sự phối hợp, có cách làm sáng tạo, động viên các hội viên khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ và đảm bảo đời sống cho hội viên trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 kéo dài.

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội, các đơn vị của Hội, các Tỉnh hội đã có nhiều hoạt động chủ động để kịp thời tham gia hỗ trợ cho hội viên. Hội có nhiều văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ NN&PTNT kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong sản xuất thủy sản do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài. Kiến nghị giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển khai thác thủy sản, tháo gỡ khó khăn trong vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67; kiến nghị giải pháp trong việc tháo gỡ “thẻ vàng” của EC; tăng nguồn vốn đầu tư để năng cấp hoàn thiện hệ thống cảng cá, các khu neo đậu tránh trú bão…

Cùng với đó, các cấp Hội đã có nhiều hình thức tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức khai thác và hậu cần dịch vụ, động viên ngư dân bám biển sản xuất; vận động hội viên, ngư dân thực hiện các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản, không vi phạm vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, Trung ương Hội và các Tỉnh hội đã chủ động tổ chức các cuộc hội thảo tìm cách tháo gỡ khó khăn và phát triển NTTS; kiến nghị lên Bộ NN&PTNT, UBND các tỉnh, thành phố giải pháp cụ thể nhằm giải quyết khó khăn cấp bách cho người nuôi tôm, cá tra; tổ chức thành công Hội chợ Triển lãm công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ 3 tại TP Cần Thơ (từ ngày 14 – 16/4/2021). Ngoài ra, Hội cũng tích cực tham gia thực hiện các chương trình, dự án, tư vấn, phản biện và giám định xã hội, chuyển giao công nghệ, mở rộng hợp tác quốc tế…

Tiến tới Đại hội lần thứ 5

Ngày 15/4 vừa qua, Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam tổ chức buổi họp chính thức đầu tiên để chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V.

Phát biểu tại một cuộc họp, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam Nguyễn Việt Thắng cho biết, Hội Nghề cá Việt Nam đã đề ra kế hoạch đổi mới hoạt động, nâng cao năng lực của Hội, cải cách phù hợp với quy mô tổ chức và thích ứng với nhu cầu đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững. Mục tiêu của đổi mới hoạt động Hội Nghề cá Việt Nam là tiếp tục xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước. Tập trung cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ, củng cố mở rộng và phát triển mạng lưới hội viên, tăng cường hợp tác quốc tế. Trong năm 2022, và những năm tới, Hội Nghề cá Việt Nam phấn đấu tạo sức ảnh hưởng mạnh mẽ hơn nữa, tiếp tục đóng góp quan trọng cho ngành thủy sản.

>> Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V của Hội Nghề cá Việt Nam dự kiến diễn ra vào ngày 23 và 24/6/2022 với khoảng 200 đại biểu. Trong đó, có 40 - 50 đại biểu khách mời từ các Bộ, ngành Trung ương như: Lãnh đạo Bộ Nội vụ, lãnh đạo Bộ NN&PTNT và các đơn vị thuộc Bộ; Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản và các đơn vị thuộc Tổng cục Thủy sản; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Các tổ chức quốc tế liên quan; Khối Kinh tế Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (7 đơn vị); các Hiệp hội Thủy sản, Sở NN&PTNT một số tỉnh/thành phố… Cùng đó là 150 - 160 đại biểu triệu tập.

Bảo Hân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!