Những chính sách hỗ trợ hoạt động này vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Đề án phát triển nghề khai thác viễn dương và việc tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước.
Chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài
Hoạt động phát triển khai thác viễn dương được đánh giá sẽ góp phần ngăn chặn và chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản; thực hiện đầy đủ cam kết chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU). Đồng thời, tăng cường hợp tác nghề cá với các nước trong khu vực và các tổ chức quản lý nghề cá thế giới.
Cụ thể, đến năm 2020, làm điểm đưa doanh nghiệp – ngư dân sang hợp tác khai thác, thu mua, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và nuôi trồng thủy sản ở một số quốc gia đã có thỏa thuận hợp tác về nghề cá với Việt Nam; trước mắt là các nước: Brunei, Papua New Guinea và Micronesia. Tổ chức triển khai tại 3 tỉnh là Quảng Ngãi, Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Giai đoạn 2020 – 2025: Tổ chức mở rộng mô hình liên kết hợp tác sang một số nước khác và vùng biển quốc tế mà Việt Nam có thỏa thuận hợp tác về nghề cá. Các vùng biển do các tổ chức nghề cá khu vực quản lý: WCCFC, IOTC. Triển khai mở rộng mô hình chuỗi liên kết khai thác ra các địa phương: Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau và một số tỉnh khác.
Tàu cá tham gia được hỗ trợ 1 lần 100% chi phí nhiên liệu 1 chuyến đi (1 lượt đi) xuất bến từ cảng Việt Nam đến vùng biển các nước có hợp tác khai thác, việc chi trả được thực hiện khi đã hoàn thành việc hợp tác khai thác ở các nước và trở về Việt Nam; Hỗ trợ 50% chi phí mua bảo hiểm thân tàu, 100% chi phí mua bảo hiểm thuyền viên làm việc trên tàu cá; Hỗ trợ 1 lần 100% thiết bị đầu cuối giám sát hành trình có tích hợp kết nối định vị vệ tinh lắp đặt trên tàu cá để giám sát hoạt động khai thác ở vùng biển các nước…