Hỗ trợ ngư dân giữ biển

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Hiện nay, việc ngư dân Việt Nam vươn khơi đánh bắt hải sản gặp rất nhiều khó khăn, như chi phí tăng cao, thời tiết bất thường, và bị nước ngoài bắt giữ. Đặc biệt là những vụ tàu Trung Quốc bắt bớ, tịch thu tài sản, đánh đập ngư dân. Để hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển an toàn cần nhiều giải pháp và sự chung tay giúp sức của cả nước. TSVN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Cao Mưu, Tổng Thư ký Hội Nghề cá Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Hiện nay, ngư dân khai thác ngoài khơi gặp nhiều khó khăn, ông có thể cho biết cụ thể những khó khăn đó là gì?

Nói đến khó khăn của ngư dân thì nhiều lắm, đặc biệt những ngư dân khai thác ngoài khơi, vất vả gian nan thiếu thốn mọi bề. Mọi nguy hiểm đến tính mạng, tài sản luôn rình rập với họ bất cứ lúc nào. Nhưng họ vẫn phải bám biển, vì cuộc sống mưu sinh và tinh thần hăng say lao động sản xuất. Cao cả hơn thế, họ là người tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, là lực lượng khẳng định quyền chủ quyền của Việt Nam trên biển.

Từ nhiều năm nay, mà đặc biệt là thời gian gần đây, Trung Quốc đang tăng cường hoành hành trên Biển Đông. Ngoài đe dọa, bắt bớ, tịch thu tài sản, đánh đập ngư dân… khi mà ngư dân ta đang khai thác hải sản trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Ngang ngược hơn, Trung Quốc còn thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa (bao gồm cả huyện đảo Hoàng Sa thuộc TP Đà Nẵng, đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa), có chủ trương quân sự hóa lực lượng dân sự, ồ ạt đưa hàng chục tàu cá vào vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa để khai thác… làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ngư dân Việt Nam trên vùng biển chủ quyền này.

Khó khăn nữa là tàu thuyền của Việt Nam nhỏ, thiết bị thông tin liên lạc, định vị, máy móc thăm dò cá… còn thiếu, phần lớn chưa được trang bị hoặc trang bị chưa đồng bộ. Hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển sản xuất. Chuỗi sản xuất từ sản xuất – thu mua chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm, giảm thất thoát sau thu hoạch còn hạn chế, nhiều phân khúc.

Mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn, ngư dân Việt Nam vẫn quyết tâm vươn khơi – Ảnh: Xuân Trường

Kinh tế khó khăn, hoạn nạn thiên tai nhiều, tài sản bị lực lượng nước ngoài cướp phá… Ngư dân đã khốn khó nay lại càng khốn khó hơn, nhiều gia đình trắng tay sau biến cố.

 

Trước khó khăn của ngư dân, Hội Nghề cá Việt Nam đã có những động thái nào để tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm bám biển?

Cùng với nhiều tổ chức xã hội, Hội Nghề cá Việt Nam luôn ủng hộ nhiệt tình, động viên hội viên tham gia các chương trình của Tổng Liên đoàn LĐVN như “Tấm lưới nghĩa tình” ủng hộ ngư dân khai thác ở Trường Sa, Hoàng Sa… Thành lập các tổ chức hợp tác giúp đỡ nhau sản xuất trên biển, tham gia các tổ chức nghiệp đoàn sản xuất… nhằm tạo ra sự đoàn kết thống nhất, phối hợp giúp đỡ, hỗ trợ nhau khi gặp khó khăn hoạn nạn, thiên tai. Thông tin cho nhau về ngư trường nguồn lợi nhằm nâng cao hiệu quả trong khai thác, tăng thêm thu nhập và tạo sự yên tâm hơn trong sản xuất khi lao động trên biển xa. Nhiều địa phương thành lập những tàu dịch vụ hậu cần, phường hội giúp đỡ nhau trong tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sau khai thác.

 

Vậy đến nay, hiệu quả của sự hỗ trợ đó như thế nào, thưa ông?

Mặc dù có những khó khăn thiệt hại về tàu thuyền, thậm chí cả tính mạng, song ngư dân vẫn đến với Hoàng Sa, Trường Sa khai thác. Mặc dù Trung Quốc có nhiều hành động ngang ngược, tàn bạo… ngư dân Việt Nam cũng sẽ không nhụt trí, bởi đó vừa là cách duy nhất để họ mưu sinh nên họ vẫn bám biển, giữ chủ quyền biển đảo của chúng ta.

Trân trọng cảm ơn ông!

Quốc Minh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!