Những năm qua, huyện Hoài Nhơn luôn xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước, ngư dân đã đầu tư đóng mới, cải hoán tàu có công suất lớn để bám ngư trường khai thác xa bờ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thế mạnh nghề cá
Đến nay, toàn huyện có 2.395 tàu cá, tổng công suất trên 455.931 CV, tăng 177.467 CV so với năm 2010, đạt 151,9% kế hoạch, trong đó, tàu công suất từ 90 CV trở lên chiếm 64,5%. Hoài Nhơn có lợi thế với bờ biển dài 23 km và 2 cửa sông lớn, ngành thủy sản với các hoạt động khai thác, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ thủy sản phát triển khá mạnh, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 6.800 hộ dân với trên 21.000 lao động, chiếm 19,5% lao động toàn huyện. Trong đó, làm nghề khai thác đánh bắt 18.700 lao động, nuôi trồng thủy sản (NTTS) 2.300 lao động, trên 2.500 lao động thời vụ trong năm. Lao động ngành thủy sản Hoài Nhơn tăng hàng năm 12,8%. Năm 2012, sản lượng thủy sản toàn huyện đạt 42.000 tấn, tăng 6.770 tấn so với năm 2010, đạt 123,5% kế hoạch; trong đó cá ngừ đại dương đạt 9.300 tấn, tăng 6.300 tấn so năm 2010, đạt 232,5% kế hoạch.
Ngư dân Hoài Nhơn đưa sản phẩm các ngừ đại dương lên bờ để tiêu thụ. Ảnh: Nguyễn Hân
Về NTTS, 2 năm qua, tình hình dịch bệnh ở tôm nuôi diễn biến phức tạp, nên diện tích nuôi tôm vụ chính biến động từ 167 – 180 ha, năng suất bình quân 5 – 6 tấn/ha; vụ phụ từ 99 – 175,5 ha, năng suất 4,5 – 6 tấn/ha, sản lượng bình quân hàng năm 1.739,5 tấn. Với thuận lợi từ môi trường nuôi cá nước ngọt cộng với sự tìm tòi phương pháp nuôi của bà con nông dân, đến nay, toàn huyện có 216,5 ha nuôi cá nước ngọt. Tổng sản lượng cá nước ngọt ước đạt trên 420 tấn/năm.
Lĩnh vực chế biến và dịch vụ thủy sản phát triển khá. Khu chế biến thủy sản Tam Quan Bắc có diện tích 5,08 ha, hiện đang bố trí cho 5 doanh nghiệp và 12 cơ sở hoạt động thu mua, chế biến hải sản, cơ khí tàu thuyền, sản xuất và cung ứng nước đá, sản xuất nước mắm. Sản phẩm hải sản qua chế biến hàng năm đạt trên 30% sản lượng thủy sản, đạt 100% kế hoạch, nhưng chủ yếu là sơ chế. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản hàng năm đều tăng, năm 2012 đạt 5 triệu USD. Huyện đã phối hợp với Hiệp hội nghề cá, Chương trình FSPS II thực hiện đăng ký nhãn hiệu tập thể “nước mắm truyền thống Tam Quan” cho 14 hộ kinh doanh nước mắm.
Toàn huyện có trên 150 cơ sở dịch vụ nghề cá các loại, gồm: 12 cơ sở mua bán ngư lưới cụ; trên 30 cơ sở hàn tiện; 15 cơ sở mua bán máy nổ; 20 cơ sở thu mua cá các loại; 30 cơ sở sản xuất nước đá; trên 50 cơ sở cung cấp xăng, gas và thực phẩm, đồ dùng thiết yếu phục vụ tàu thuyền hoạt động. Năm 2012, doanh thu từ các dịch vụ trên ước đạt 62,9 tỉ đồng.
Hoạt động đóng mới và sửa chữa tàu thuyền phát triển mạnh. Hai năm 2011, 2012, ngư dân Hoài Nhơn đã đầu tư đóng mới trên 212 tàu cá, sửa chữa lớn trên 375 tàu. Hiện có 9 cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền với năng lực sửa chữa hơn 1.000 lượt tàu các loại/năm. Phân xưởng đóng tàu của Công ty cổ phần Thủy sản Hoài Nhơn đủ năng lực đóng tàu đánh bắt xa bờ có công suất 1.000 CV và sửa chữa trên 300 tàu mỗi năm. Các cơ sở hạ tầng nghề cá cũng được đầu tư xây dựng, đã hoàn thành kè chống xói lở khu dân cư thôn Trường Xuân Tây; bến cá Thiện Chánh – xã Tam Quan Bắc.
Nâng cao hiệu quả, đẩy mạnh khai thác, nuôi trồng gắn chế biến và dịch vụ
Ông Phạm Trương, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Có được kết quả như trên, địa phương đã tích cực chỉ đạo xây dựng và đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động về khai thác, NTTS gắn với chế biến và dịch vụ thủy sản giai đoạn 2011-2015. Hai năm gần đây, giá trị sản xuất ngư nghiệp hàng năm tăng bình quân từ 17,3 – 19,2%/năm, chiếm 62,5% tổng giá trị ngành nông nghiệp, đạt 125% kế hoạch. Bên cạnh đó, người NTTS đã ứng dụng được những tiến bộ công nghệ tiên tiến, kỹ thuật nuôi ngày càng tốt hơn; nuôi quảng canh, nuôi tổng hợp đối với những vùng nuôi tôm bị ô nhiễm. Ngành dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản phát triển, cung cấp và tiêu thụ đa dạng các mặt hàng hải sản; một số thủy sản được các cơ sở đầu tư chế biến sâu, xuất khẩu nâng cao hiệu quả, phát triển sản xuất”.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề lo ngại hiện nay của huyện là tình trạng ngư dân và phương tiện bị nước ngoài bắt vẫn còn tiếp diễn, tàu bị nạn trên biển làm thiệt hại lớn về người và tài sản. Việc quản lý tàu trước, trong khi đánh bắt trên biển, nhất là mùa lụt bão chưa chặt chẽ và thiếu kiên quyết. Việc đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào khai thác chưa đồng bộ, cơ cấu thuyền – nghề chưa hợp lý, khai thác hải sản thiếu chọn lọc, ảnh hưởng đến tái tạo nguồn lợi thủy sản. Một bộ phận tàu thuyền chưa đầu tư các trang thiết bị, phương tiện nên năng suất, hiệu quả khai thác chưa cao. Chưa chú trọng công tác bảo quản sản phẩm sau khai thác. Mô hình tổ đoàn kết khai thác hải sản chưa được nhân rộng. Bên cạnh đó, tình trạng ép giá, ép cấp trong thu mua hải sản còn phổ biến. Hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá còn nhiều mặt hạn chế. Các doanh nghiệp, cơ sở chưa quan tâm đầu tư thương hiệu, mở rộng kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Lộ trình đến năm 2015, khẳng định thủy sản vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, Hoài Nhơn tiếp tục khuyến khích, hướng dẫn ngư dân đầu tư sửa chữa, cải hoán đội tàu cá có công suất lớn và mua sắm các trang thiết bị hiện đại để khai thác ở vùng biển xa, nâng cao hiệu quả khai thác và bảo vệ nguồn lợi ven bờ. Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào khai thác, NTTS để nâng cao hiệu quả. Chỉ đạo quy hoạch lại các vùng NTTS bền vững; tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch; khai thác nước ngầm trái phép để nuôi tôm. Mời gọi các doanh nghiệp có tiềm lực vào đầu tư cảng cá, khu dịch vụ hậu cần nghề cá Tam Quan. Hỗ trợ các cơ sở chế biến hải sản xây dựng, quảng bá thương hiệu thông qua các hội chợ, triển lãm; tập trung công tác xúc tiến thương mại, xây dựng các thương hiệu hải sản có lợi thế ở huyện.