Hội An – Quảng Nam: Thành phố sinh thái nuôi thủy sản sinh thái

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Đô thị cổ Hội An (Quảng Nam) đang tập trung thực hiện tốt Đề án xây dựng Hội An – Thành phố sinh thái. Năm 2010, đã có một số mô hình nuôi thủy sản theo hướng sinh thái, bảo vệ môi trường, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ mô hình nuôi tôm theo phương pháp sinh học

Những ngày cuối năm 2010, chúng tôi về khu nuôi tôm Hóc Rộ (thôn 8, xã Cẩm Thanh). Dưới tiết trời se lạnh, quẩn quanh cùng câu chuyện nuôi tôm với bà con ở đây, ai cũng tỏ vẻ thán phục khi nhắc đến anh Phạm Sơn. Sơn được biết đến không phải vì anh là cháu của Anh hùng LLVTND Phạm Trợ mà vì anh là một người nuôi tôm cần cù, ham học hỏi và đạt hiệu quả cao nhất xã Cẩm Thanh hiện nay. Nhiều năm liền nuôi tôm sú đã cho anh Sơn những kinh nghiệm quý, nhất là trong việc phòng chống dịch bệnh cho tôm nuôi và bảo vệ môi trường.

Hội An hướng đến phát triển thủy sản sinh thái bền vững        Ảnh: CTV

Sự phát triển của nghề nuôi tôm sú bán thâm canh đã kéo theo việc suy giảm sản lượng mà nguyên nhân chính là việc bùng phát dịch bệnh. Việc nuôi tôm ở mật độ cao, sử dụng thuốc kháng sinh và hóa chất với liều cao đã làm cho nghề nuôi tôm sú những năm gần đây càng thêm khó khăn. Đối với anh Sơn, mặc dù những năm nuôi tôm sú cũng đạt hiệu quả, nhưng hai năm trở lại đây, anh Sơn đã quyết định chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng bằng phương pháp sử dụng chế phẩm sinh học và đạt hiệu quả rất cao. Năm 2009, anh thu hoạch 21,7 tấn tôm thẻ, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 500 triệu đồng. Năm 2010, trên diện tích 1,45 hecta, anh thu hoạch được 21 tấn tôm, lãi 450 triệu đồng.

Anh Sơn cho biết, mỗi vụ nuôi riêng chi phí cho chế phẩm sinh học đã lên đến 20-30 triệu đồng. Nhờ áp dụng phương pháp nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học, môi trường ao nuôi của anh Sơn được bảo đảm, môi trường bên ngoài cũng được bảo vệ, tôm nuôi mạnh khỏe, phát triển nhanh nên đã rút ngắn thời gian nuôi tôm thẻ chỉ còn 2,5 tháng đến gần 3 tháng với hệ số thức ăn chỉ từ 0,9-1,1 và cỡ tôm thu hoạch từ 60-70 con/kg.

 

 Đến việc tìm lại “thương hiệu thủy sản Hội An”

Nằm ở hạ du sông Thu Bồn, hàng năm vùng biển Cửa Đại tiếp nhận hàng ngàn tấn phù sa và một lượng chất dinh dưỡng phong phú. Đây chính là một mắt xích quan trọng trong chuỗi thức ăn tự nhiên cho các đối tượng thủy sản. Sự phong phú, đa dạng của các loại thức ăn tự nhiên ở vùng Cửa Đại thể hiện ở cả tầng mặt, tầng giữa và tầng đáy. Quần đảo Cù lao Chàm chắn ngang ngoài cửa biển với hệ sinh thái rạn san hô cùng với rừng ngập mặn và thảm cỏ biển rộng hàng trăm ha ở vùng nước lợ cửa sông đã tạo nên một ngôi nhà lý tưởng cho sự sinh trưởng và phát triển của các loài thủy sản ấu nhi. Có lẽ nhờ vậy mà thủy sản Hội An có một hương vị rất lạ, rất tươi ngon mà ít nơi nào ở đất Quảng Nam – Đà Nẵng có được.

Tuy nhiên hàng chục năm trở lại đây, “thương hiệu” thủy sản Hội An rất ít được nhắc đến. Để nuôi tôm, người ta sẵn sàng phá bỏ hàng chục, thậm chí hàng trăm ha rừng dừa ngập mặn. Để nâng cao năng suất nuôi, hình thức nuôi công nghiệp cũng đã được áp dụng. Hiệu quả kinh tế mang lại đã rõ, cuộc sống đã đổi thay, đời sống đã được nâng lên, nhưng con tôm, con cá ngày nay “ăn vào giống như ăn thức ăn công nghiệp”, hình như nó đã mất đi cái vị ngọt – lợ tự nhiên của vùng cửa biển. Việc phá hủy hệ sinh thái vùng nước lợ như chặt phá rừng dừa ngập mặn, diện tích thảm cỏ biển, sử dụng các công cụ đánh bắt thủy sản hủy diệt đã vô tình làm mất đi nguồn thức ăn tự nhiên khá quan trọng của nhiều loài thủy sản biển Cửa Đại – Hội An.

Trong một nỗ lực tìm lại “thương hiệu” cho thủy sản Hội An, chúng tôi  về Cẩm Châu để gặp anh Lê Ngọc Lên, khối phố An Mỹ. Anh Lên tâm sự, trải qua nhiều năm nuôi tôm sú bán thâm canh, được có, mất có nhưng dường như cái mất nhiều hơn, anh đã nghĩ đến một mô hình nuôi theo “phương pháp tự nhiên”, nuôi tổng hợp, đầu tư ít nhưng có thể mang lại hiệu quả cao. Trên diện tích 10.000m2, năm 2009, anh mày mò thả cá dìa ghép với tôm sú, kết quả không cao lắm. Năm 2010, được sự hỗ trợ của Phòng Kinh tế thành phố, anh mạnh dạn thả nuôi 4.000 con cá dìa kết hợp với 30.000 con tôm sú và 500 kg rong câu chỉ vàng, kết quả đạt được rất khả quan.

Theo các chuyên gia nuôi trồng thủy sản, quá trình nuôi của anh Lên sẽ tạo ra chuỗi thức ăn tự nhiên giúp cân bằng sinh thái trong ao. Chất thải do tôm sú, cá dìa thải ra sẽ được rong hấp thụ. Cá dìa, tôm sú sử dụng rong làm thức ăn. Các thủy sinh vật được tạo ra do quá trình phân giải chất hữu cơ trong ao nuôi làm thức ăn. Một lượng rất ít thức ăn công nghiệp được bổ sung thêm cho tôm sú. Với cách nuôi này, có thể tạo ra một môi trường gần giống với tự nhiên, giảm thiểu được ô nhiễm và điều đặc biệt quan trọng là làm cho chất lượng thủy sản nuôi luôn tươi và thơm ngon hơn.

Anh Lên phấn khởi cho biết, trong suốt quá trình nuôi, cá dìa, tôm sú hầu như không xuất hiện bệnh, tôm cá đều phát triển khá nhanh và có thịt thơm ngon. Sau hơn 5 tháng nuôi, với kích cỡ 6-7 con/kg, anh Lên thu hoạch được 260 kg cá dìa; 375 kg tôm sú, kích cỡ 30-40 con/kg. Với giá bán 85.000 đồng/kg cá dìa và 130.000 đồng/kg tôm sú,  anh Lên đã thu được gần 71 triệu đồng, lãi ròng trên 40 triệu đồng.

Ngành Nông nghiệp Hội An đang hướng đến một nền nông nghiệp đô thị sinh thái mang tính bền vững, thân thiện với môi trường. Việc nhân rộng các mô hình nuôi thủy sản theo hướng bảo vệ môi trường sinh thái là một hướng đi cần tiếp tục được quan tâm, nhằm góp phần tạo ra một “thương hiệu” riêng cho sản phẩm thủy sản nuôi ở Hội An.

Quảng Lâm

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!