Hỏi – Đáp Thủy sản tháng 12 (P. 5)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Tôi thường mua lươn giống từ những người đi đặt trúm. Làm cách nào để chọn được lươn giống tốt? (Anh Nguyễn Văn Hạnh, huyện Cờ Đỏ, Thành phố Cần Thơ)

Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Trả lời:

Hiện nay, lươn giống sinh sản nhân tạo đã được sử dụng phổ biến để nuôi nhưng nhiều người vẫn dùng lươn giống từ đánh bắt tự nhiên để nuôi. Lươn giống đánh bắt tự nhiên (đặt trúm) có ưu điểm là con giống khá to, khỏe mạnh, nuôi nhanh lớn. Tuy nhiên, nếu mua phải lươn đánh bắt bằng te điện hoặc đánh bả thì tỷ lệ rủi ro rất cao.

Để chọn được lươn giống tốt nên chọn những con có màu vàng sẫm, đầu nhỏ, thân thon đều. Những con lươn có màu vàng xanh tốc độ phát triển bình thường. Không nên chọn những con lươn giống có màu xám tro vì những con lươn này chậm lớn, nuôi không hiệu quả.

Hiện nay, tại huyện Cờ Đỏ cũng có nhiều nơi cung cấp giống lươn nhân tạo. Nên thả giống nhân tạo vì kích cỡ đồng đều, dễ chăm sóc và quản lý.

 

Hỏi: Tôi thấy trên thị trường cá trắm giòn, chép giòn bán được giá cao và dễ tiêu thụ. Xin hỏi nuôi các loại này có dễ không? (Anh Hoàng Đức Hải, huyện Phú Xuyên, Hà Nội)

 

Trả lời:

Cá trắm giòn, chép giòn thực chất là cá trắm và cá chép bình thường. Để thịt cá có độ giòn, dai người nuôi cá cho cá ăn một loại hạt đậu (có nguồn gốc từ Nga hoặc Trung Quốc). Có ý kiến cho rằng, trong đậu tằm có thành phần protein thô chiếm hơn 31%, lipid thô… là những yếu tố quyết định thay đổi chất lượng của thịt cá, tăng độ dai cơ thịt nên thịt cá trở nên dai và giòn. Không chỉ cá trắm, cá chép mà một số loài cá khác khi nuôi bằng loại đậu này cũng cho thịt giòn tương tự.

Cá trắm, cá chép có trọng lượng từ 800 g, 1 kg hoặc to hơn tùy thuộc vào nhu cầu thị trường thì bắt đầu cho ăn đậu tằm đến khi xuất bán. Đậu tằm trước khi cho cá ăn phải ngâm trong nước cho mềm ra rồi mới cho cá ăn.

Hiện giá cá chép giòn bán tại lồng bè ở miền Bắc khoảng 130.000 – 150.000 đ/kg tùy từng thời điểm.

 

Hỏi: Tôi đang muốn nuôi cua biển trong ao đất. Diện tích ao nuôi như thế nào là hợp lý và chuẩn bị ao như thế nào? (Ông Trần Thanh Khái, huyện Đầm Dơi, Cà Mau)

Trả lời:

Ao nuôi cua biển thường rộng từ 3.000 – 5.000 m2, có cống cấp và thoát nước riêng. Chất đất ao nuôi không bị nhiễm phèn, chất đáy là bùn pha cát, ít bùn, độ dày bùn < 20 cm. Nước nuôi cua có độ pH từ 7,5 – 8,2, độ mặn từ 10 – 25 ‰. Trong ao tạo nhiều gờ nổi, diện tích mỗi gờ 10 – 100 m2 tùy theo diện tích ao.

Cải tạo ao nuôi: ao tháo cạn nước, sên vét bùn, bón vôi 6kg/100m2. Phơi ao từ 5 – 10 ngày sau đó tiến hành cấp nước vào ao qua lưới lọc. Thả chà (cành cây tre, cây bần,…) làm nơi trú ẩn cho cua giống. Tiến hành gây màu nước, tạo sinh vật phù du trong ao. Sau khi nước ao lên màu có thế tiến hành thả giống. 

Ban KHKT - Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!