Hỏi – Đáp Thủy sản tháng 8/2015 (P. 1)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Thời điểm tháng 5 – 10, trong ao nuôi tôm sứa nước phát triển rất mạnh, khiến tôm sú chết nhiều. Hỏi biện pháp khắc phục? Lưu Công Thạch (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định)

Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Trả lời:

Để tiêu diệt sứa nước, dùng lưới chỉ sợi lớn bằng nilon ít thấm nước và có độ chắc cao, bền, tránh ôxy hóa. Chọn lưới sợi 3,6 ly, kích thước mắt lưới 2,5 cm. Chiều dài lưới bằng chiều dài của dàn quạt nước. Chiều cao của lưới lớn hơn độ sâu của nước khoảng 10 – 15 cm. Dùng cây tre hoặc cây tầm vông nẹp hai đầu, ở giữa cắm cọc, khoảng cách giữa các cọc 1,2 – 1,5 m; căng thẳng trước mỗi dàn quạt nước trong ao nuôi, cắm bằng hoặc cao hơn mép nước khoảng 10 cm. Khoảng cách cắm lưới với dàn quạt khoảng 1,5 m. Khi quạt nước hoạt động tạo nên dòng chảy, sứa và trứng sứa bị cuốn theo dòng chảy, va đập vào lưới sẽ bị vỡ, một số dính vào lưới. Định kỳ 7 – 10 ngày dùng bàn chải vệ sinh lưới để loại bỏ xác sứa cũng như một số chất bẩn bám vào lưới.

 

Hỏi: Cá rô phi có hiện tượng ăn kém hoặc bỏ ăn, bơi lội chậm chạp, trên thân có nhiều đốm đỏ, xuất huyết. Hỏi cá bị bệnh gì và phương pháp điều trị?  Nguyễn Văn Sơn (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp)

Trả lời:

Theo mô tả thì cá bị bệnh xuất huyết do một số vi khuẩn gram âm như Aeromonas sp, Pseudomonas sp gây nên. Bệnh xảy ra trên khắp giai đoạn phát triển của cá, đặc biệt trong môi trường nước nhiễm bẩn, lượng khí độc tích lũy dưới đáy nhiều. Nếu bệnh trên cá rô phi giống có thể xử lý bằng phương pháp tắm Streptomycin, nồng độ 30 – 50 ppm. Cá thịt xử lý bằng phương pháp trộn Sulphamid với thức ăn, liều lượng 150 – 200 mg/kg cá/ngày. Thuốc phối chế KN-O4-12 liều dùng 2 – 4 g/kg cá/ngày. Trị bệnh liên tục trong 5 – 7 ngày. Trong thời gian điều trị bệnh, lượng thức ăn giảm còn 1/2 – 2/3 thông thường. Sau khi điều trị bệnh bằng kháng sinh có thể sử dụng một số loại men vi sinh để ổn định vi khuẩn đường ruột cho cá.

 

Hỏi: Nguyên nhân và cách phòng trị hiện tượng tôm bám bờ vào buổi tối? Phạm Thành (huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa)

Trả lời:

Tôm bám bờ vào buổi tối là biểu hiện của tình trạng thiếu ôxy trong ao nuôi. Khi đó cần tăng cường sục khí, quạt nước. Sau 1 – 2 giờ tôm sẽ giảm nổi đầu. Ao nuôi thiếu ôxy vào buổi tối có thể là do tảo trong ao phát triển mạnh, ao bị ô nhiễm hữu cơ. Để hạn chế hiện tượng này cần kiểm soát chặt chẽ lượng thức ăn, giảm ô nhiễm hữu cơ. Định kỳ xử lý chất lượng nước bằng chế phẩm sinh học để phân hủy các chất hữu cơ tích lũy trong ao nuôi. Đồng thời, cần thay nước kết hợp với sử dụng chế phẩm sinh học. Trong quá trình xử lý có thể bổ sung Vitamin C để chống sốc cho tôm.

Ban KHKT - Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!