Hỏi – Đáp Thủy sản tháng 8/2016 (P. 4)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Để nuôi cá trắm giòn thì sử dụng loại thức ăn gì và cách cho ăn như thế nào? (Trần Văn Tịnh, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai)

Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Trả lời:

Để tạo độ giòn cho thịt cá, nuôi cá trắm giòn sử dụng đậu tằm (thường nhập từ Trung Quốc) làm thức ăn. Trước khi cho cá ăn, ngâm đậu trong nước ít nhất 24 giờ, sau đó rửa sạch đậu bằng nước muối ăn 1%. Lưu ý, đậu có xu hướng chìm vì vậy cần cho cá ăn ít một và tùy vào nhu cầu ăn hàng ngày của cá (Lượng thức ăn hàng ngày của cá khoảng 2 – 3% trọng lượng đàn cá nuôi). Cho cá ăn 1 lần/ngày, tốt nhất là cho thức ăn vào máng (máng làm bằng khung sắt, diện tích 4 – 5 m2, cao 25 – 30 cm. Xung quanh máng được vây 2 lớp, 1 lớp lưới thép, 1 lớp lưới cước để ngăn đậu trôi ra ngoài). Trong quá trình sử dụng máng cần định kỳ vệ sinh máng ít nhất 2 lần/tháng để đảm bảo phòng bệnh cho cá nuôi được tốt hơn.

 

Hỏi: Xin hỏi các phương pháp xử lý nước trước khi đưa vào ao nuôi? (Nguyễn Văn Vui, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa)

Trả lời:

Có 5 phương pháp để xử lý nước trước khi đưa vào hệ thống ao nuôi thủy sản là phương pháp cơ học, vật lý, hóa học, sinh học và sinh thái. Trong đó, phương pháp vật lý là không thông dụng vì áp dụng phương pháp này sử dụng đèn cực tím có bước sóng 240 – 280 nm để diệt vi sinh vật, tuy nhiên chúng không thể làm cho nước hoàn toàn vô trùng trong khi chi phí cao và khó đáp ứng nhu cầu lượng nước lớn phục vụ nuôi thủy sản. Phương pháp cơ học có thể loại bỏ các chất hữu cơ lơ lửng có trong nguồn nước thông qua hệ thống bể lắng hay bể lọc có chứa than, đá, cát, sỏi… Phương pháp hóa học, sử dụng một số loại thuốc, hóa chất tiêu diệt mầm bệnh là phương pháp được sử dụng nhiều nhất vì khả năng diệt trùng khá tốt nhưng dư lượng của hóa chất có thể ảnh hưởng xấu tới điều kiện môi trường và sức khỏe vật nuôi.

Phương pháp sinh học thường áp dụng trong các hệ thống nuôi tuần hoàn, nước đã sử dụng có thể làm sạch nhờ sự tồn tại và phát triển của một số vi sinh vật có lợi như Nitrobacter có khả năng sử dụng nitơ thừa để phát triển và kìm hãm sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh tồn tại trong môi trường nước. Đây là phương pháp được đánh giá là an toàn và hiệu quả. Ngoài ra, cón có thể áp dụng phương pháp sinh thái bằng cách dựa vào đặc tính sinh học của từng loại tác nhân gây bệnh và tính thích ứng với môi trường của vật nuôi, có thể sử dụng các biện pháp sinh thái bằng cách thay đổi điều kiện môi trường để tiêu diệt mầm bệnh mà không làm ảnh hưởng đến vật nuôi.

 

Hỏi: Xin hỏi phương pháp lựa chọn thuốc hỗ trợ trong phòng và trị bệnh trên cá? (Lê Văn Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang)

Trả lời:

Để tăng hiệu quả sử dụng, với từng mục tiêu khác nhau cần lựa chọn những loại thuốc hỗ trợ khác nhau, cụ thể:

Để phòng bệnh cho cá, nên dùng thuốc làm tăng khả năng đề kháng như beta-glucan, Vitamin C, vi sinh vật hữu ích (Bacillus subtilis, Lactobacillus axítophilus, Saccharomycescerevisiae…) bổ sung vào thức ăn cho cá trong giai đoạn cá khỏe. Cần chú ý, khi sử dụng probiotic thì không kết hợp cùng lúc với kháng sinh vì kháng sinh sẽ diệt luôn vi khuẩn hữu ích được bổ sung vào thức ăn.

Để hỗ trợ điều trị bệnh, nên lựa chọn các enzyem tiêu hóa đặc biệt là protease vì khi bị bệnh, cá tiêu hóa rất kém, nếu không bổ sung men tiêu hóa thì cá ăn càng nhiều tỷ lệ chết càng gia tăng do rối loạn tiêu hóa và nhiễm khuẩn đường ruột. Ngoài ra có thể bổ sung thêm Vitamin C, B complex để tăng sức đề kháng cho tôm, cá.

Ban KHKT - Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!