Hỏi – Đáp Thủy sản tháng 8 (P. 1)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Nuôi cá rô phi ở miền Bắc thời gian nào thì hay nhiễm bệnh nhất và cách phòng chống? (Bùi Văn Màng – huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc)

Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Trả lời:

Theo Trung tâm Nghiên cứu Quan trắc, Cảnh báo môi trường và Phòng ngừa dịch bệnh thủy sản (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1), vào thời điểm từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm, khi thời tiết nắng nóng kéo dài kết hợp với mưa đột ngột và nước ao nuôi bị ô nhiễm do mật độ nuôi cao, lượng chất thải trong ao lớn, nhiệt độ và mật độ tảo tăng cao gây thiếu ôxy và tăng hàm lượng khí độc làm cá rô phi nuôi bị stress. Cùng với sự có mặt của các nhóm vi khuẩn gây bệnh tồn tại trong cơ thể cá, có thể làm cá chết hàng loạt.

Kết quả kiểm tra mẫu bệnh cho thấy chủng vi khuẩn Streptococcus sp là một trong những tác nhân gây bệnh chính cho cá rô phi. Vì vậy, các giải pháp kỹ thuật để phòng bệnh này như sau:

– Sau mỗi vụ nuôi cần sên vét hết lớp bùn đen ở đáy ao.

– Nên nuôi cá ở mật độ vừa phải 2 – 3 con/m2.

– Duy trì mức nước tối thiểu 1,2 m cho ao nuôi.

– Tăng cường quạt khí về đêm và sáng sớm nhằm cung cấp đủ hàm lượng ôxy hòa tan cho cá nuôi.

– Tăng cường thay nước (20 – 30% nước ao) với các ao nuôi khi có nguồn nước đảm bảo chất lượng.

– Định kỳ hàng tháng bổ sung vitamin tổng hợp (B complex và Vitamin C) vào thức ăn, cho ăn 7 ngày liên tục.

– Khử trùng nước bằng Chlorine, formol (1 tháng/lần), liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì để giữ ổn định môi trường ao nuôi.

 

Hỏi: Tôm thẻ chân trắng nuôi sau 30 ngày thì đo pH ao, sáng 7,5, chiều 8,5,  độ kiềm 80 mg/l, có hiện tượng tôm bỏ ăn và chết rải rác, mong chỉ giúp cách chữa trị? (Võ Quang  – huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh)

Trả lời:

pH trong ao biến động lớn như vậy chứng tỏ độ cứng (hàm lượng CaCO3 trong nước ao thấp). Ao có nhiều mùn bã hữu cơ, tảo phát triển và biến động mạnh dễ gây hiện tượng nở hoa. Do vậy, cần giảm 50% lượng thức ăn cho tôm hàng ngày, đồng thời bón vôi công nghiệp Dolomite (100 – 150 kg/ha) để tăng độ cứng và tăng hệ đệm nước ao. Nếu có thể, nên tiến hành thay nước để ổn định tảo và pH.

Đối với hiện tượng tôm bỏ ăn và chết rải rác, nguyên nhân có thể do pH trong ngày biến động mạnh gây sốc cho tôm, sau khi ổn định pH mà tình trạng đó chưa dứt thì lấy mẫu tôm mang đi kiểm tra bệnh để có biện pháp chữa trị kịp thời.

Ban KHKT - Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!