Hỏi đáp Thủy sản tháng 9/2016 (P.1)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Cua nuôi có phần bụng bị hoại tử, ở mang có những cục màu trắng, hoạt động chậm chạp. Xin hỏi cua bị bệnh gì và phương pháp phòng trị? (Hoàng Văn Phong, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên)

Xem thêm mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Trả lời:

Theo mô tả cua bị hoại tử do một số loại vi khuẩn Vibrio gây nên. Khi bị bệnh phần bụng và cơ bị hoại tử, màu sắc cơ thể thay đổi, hoạt động chậm chạp, ăn ít hoặc bỏ ăn… Biện pháp phòng ngừa: Thả nuôi với mật độ thích hợp khoảng 1 – 1,5 con/m2, trong quá trình lưu giữ chăm sóc chú ý tránh làm xây xát cua, đảm bảo chất lượng nước tốt. Trước khi nuôi, sát trùng bể ương, nuôi cua bằng dung dịch KMnO4 15 – 20 ppm; ngâm dụng cụ ương nuôi trong 50 ppm chlorin trong thời gian 1 giờ. Trị bệnh: phun trong ao 2 – 3 mg/l terramycin hoặc 1 mg/l norfloxac một ngày một lần, trong 3 – 5 ngày, có thể dùng thức ăn trộn terramycin (0,1 – 0,2 g/kg trọng lượng cơ thể cua) cho ăn ngày 1 – 2 lần trong 5 – 7 ngày liên tục.

 

Hỏi: Cá rô phi bị xuất huyết trên thân, nhiều con bị lồi mắt, bơi lờ đờ. Hỏi nguyên nhân và cách chữa trị?  (Cao Văn Hải, huyện Tiên Phong, tỉnh Bắc Ninh)

Trả lời:

Theo như mô tả, cá rô phi đã bị bệnh xuất huyết do vi khuẩn Streptococcus gây nên. Khi bị bệnh, cá bị lồi mắt, chảy máu mắt, trên thân có những vết loét, cá bỏ ăn, màng bụng bị viêm. Phòng bệnh bằng các biện pháp tổng hợp. Kiểm soát lượng thức ăn và lượng phân xuống ao một cách hợp lý. Khi có biểu hiện bệnh nên giảm hoặc cho cá nhịn ăn, hạ thấp mật độ nuôi. Vào những ngày trời nắng nóng nên dùng lưới che để làm giảm nhiệt độ nước. Trị bệnh: sử dụng hóa chất BKA, SUPER BKD để xử lý môi trường nước. Bệnh chỉ có thể điều trị bằng kháng sinh Doxycilne, liều lượng 2 –  5 g/100 kg cá/ngày, liên tục trong 5 – 7 ngày và hiệu quả tốt khi được phát hiện sớm; lúc cá bị nặng sẽ ngừng ăn và không thể chữa trị. Sau khi sử dụng kháng sinh dùng một số chế phẩm sinh học để phục hồi, ổn định chức năng tiêu hóa.

 

Hỏi: Sodium carbonate peroxyhydrate dùng trong nuôi trồng thủy sản với những trường hợp nào? (Huỳnh Thị Hồng Nhung, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre)

Trả lời:

Sodium carbonate peroxyhydrate (2Na2CO3.3H2O2) là hóa chất làm tăng hàm lượng ôxy trong nước. Loại hóa chất này được sử dụng để cung cấp ôxy hòa tan cho ao nuôi tôm trong các trường hợp khẩn cấp khi hệ thống sục khí, quạt khí của ao nuôi bị trục trặc hoặc không cung cấp đủ hàm lượng ôxy cho tôm nuôi. Đây là hợp chất không mùi, không bền, tan nhanh trong nước, có tác dụng làm tăng hàm lượng ôxy hòa tan và độ kiềm trong nước. Và là một loại hóa chất thân thiện với môi trường. Ngoài ra, Sodium carbonate peroxyhydrate còn được coi là hợp chất đa dụng trong nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng. Khi sử dụng đúng liều lượng, các hợp chất peroxide sẽ tan vào nước, không ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe tôm nuôi. Do vậy, có thể sử dụng lâu dài cho nước nuôi tôm, cá thương phẩm và giống.

Ban KHKT - Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!