Hỏi – Đáp Thủy sản tháng 9/2016 (P.4)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Sau khi mưa lớn đã tăng cường quạt nước nhưng tôm vẫn nổi đầu, dạt vào bờ. Xin cho hỏi cách khắc phục? (Đỗ Quốc Khánh, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh)

Xem thêm chuyên mục Hỏi – Đáp (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Trả lời:

Mưa lớn làm các yếu tố môi trường nước biến đổi đột ngột. Vì vậy, ngoài tăng cường quạt nước, khi mưa lớn, cần nhanh chóng tháo bớt nước ở tầng mặt để hạn chế phân tầng nước về nhiệt độ, độ mặn, hàm lượng ôxy hòa tan, pH… Cùng đó, cần treo túi vôi ở góc ao hoặc rải vôi bột xung quanh bờ. Thường xuyên theo dõi sự biến động của pH trong và sau khi mưa lớn. Nếu pH giảm thấp, biến động giữa sáng và chiều > 0,5; sử dụng vôi nông nghiệp CaCO3 liều lượng 10 – 20 kg/1.000 m3, tùy vào độ pH. Giảm hoặc ngừng cho ăn, do khi mưa lớn tôm nuôi sẽ giảm hoặc không bắt mồi.

 

Hỏi: Xin hỏi làm cách nào để nâng cao được tỷ lệ sống của tôm khi thả giống? (Phạm Văn Đạt, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An)

Trả lời:

Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của tôm sau khi thả giống như: chất lượng tôm giống, chất lượng nước, kỹ thuật thả tôm giống… Để nâng cao được tỷ lệ sống của tôm đòi hỏi phải chọn giống khỏe mạnh, đạt chất lượng tốt, mua giống ở những cơ sở sản xuất uy tín. Môi trường sống không thuận lợi cũng gia tăng tỷ lệ chết của tôm nuôi, vì vậy cần thực hiện khâu cải tạo và chuẩn bị ao đúng kỹ thuật. Cần thuần tôm trước khi thả để tôm không bị sốc, thả tôm vào lúc trời mát, không nên thả lúc đang mưa hoặc sắp mưa.

 

Hỏi: Có nên sử dụng Iodine để xử lý nước khi tôm bị đóng rong không? (Phạm Văn Trung, thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa)

Trả lời:

Không nên sử dụng Iodine để xử lý khi tôm bị đóng rong. Vì, Iodine có tác dụng sát khuẩn mạnh, thường dùng khi trong ao nuôi bị một số bệnh do vi khuẩn, virus. Tôm bị bệnh đóng rong thường do các tạo tảo Zoothamnium sp. hoặc các loại Protozoa bám vào. Khi tôm bị đóng rong cần kích thích tôm lột xác. Vì vậy, cần thay nước, giảm hàm lượng hữu cơ trong ao. Cùng đó, giảm 5 – 10% lượng thức ăn cho tôm trong một thời gian. Dùng các vi sinh vật có lợi ích để phân hủy các chất hữu cơ. Dùng Formalin để diệt Zoothamnium vào buổi tối.

 

Hỏi: Trong ao nuôi tôm có nhiều váng màu nâu. Hỏi nguyên nhân và cách khắc phục? (Cao Diệu An, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang)

Trả lời:

Các váng màu xanh nâu là màu đặc trưng của tảo mắt. Khi trong ao nuôi có tảo mắt là dấu hiệu cho thấy nền đáy ao bắt đầu ô nhiễm do thức ăn dư thừa. Trong điều kiện thuận lợi nhiều hữu cơ, tảo mắt tăng sinh khối rất nhanh ảnh hưởng đến hàm lượng ôxy hòa tan trong ao và làm nhiễm bẩn thêm môi trường nước ao. Khắc phục bằng cách xi phông đáy, thay nước để giảm mật độ tảo, sau đó sử dụng vi sinh để giảm ô nhiễm hữu cơ, ức chế sự phát triển của tảo mắt.

Ban KHKT - Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!