Hỏi – Đáp Thủy sản tháng 9 (P. 1)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Xin cho biết tỷ lệ sử dụng cám gạo, đường mật và thời gian ủ để gây màu nước ao nuôi tôm? (Nguyễn Thế Phong – ấp Năm Châu, xã Bình Đông, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang).

Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Trả lời:

Sau khi cải tạo xong ao thì tiến hành cấp nước và gây màu nước để thả nuôi tôm. Nên sử dụng cám gạo, bột đậu nành, mật đường mía để gây màu nước được nhanh và đảm bảo.

Liều lượng: (1,3 kg cám gạo + 1,5 kg bột đậu nành + 1,5 lít mật đường)/1.000 m3 nước ao. Trộn lẫn 3 loại với nhau, ngâm trong nước 1 – 2 ngày, sau đó hòa loãng và té đều lên mặt ao. Có thể bón liên tục trong 3 – 5 ngày, nếu nước chưa lên màu thì bón tiếp 2 ngày nữa, khi nước chuyển sang màu vỏ đậu hoặc bã trà nhạt thì thả tôm.

 

Muốn cho cua đồng lột đồng đều khi nuôi trên bể thì phải làm thế nào? (Đức Hạnh – ấp Tân Điền, xã Giục Tượng, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang)

Trả lời:

Trong quá trình nuôi cua, việc cua lột đồng loạt sẽ tránh được hao hụt (do con chưa lột ăn thịt con lột). Để chủ động cho cua lột đồng loạt, bạn cần thực hiện các việc sau:

Cua giống đưa vào nuôi phải có kích cỡ đồng đều, thức ăn cho cua đảm bảo đủ hàm lượng khoáng và bổ sung Vitamin D (3 g/1 kg thức ăn) để thúc đẩy quá trình hấp thụ các chất khoáng của cua,đảm bảo nguồn nước sạch thay hàng ngày để kích thích cua lột xác. Bạn có thể tìm mua các loại thuốc kích thích lột xác cho tôm như Final, Methosine, Polymax… trộn vào thức ăn cho cua theo liều lượng hướng dẫn ghi trên bao bì.

 

Hỏi: Xin hỏi cách phòng, trị bệnh ếch bị trắng mắt, vẹo đầu và trướng bụng? (Đặng Hữu Cầu – F11, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp)

Trả lời:

Bệnh này là do vi khuẩn Pseudomonas sp gây ra. Khi ếch bị bệnh, mí mắt có mủ, viêm sưng, màu trắng đục ở một mắt rồi lây sang mắt còn lại, gây mù cả hai mắt. Bệnh thường đi kèm triệu trứng cổ quẹo, thân hơi nghiêng do bị cong cột sống, ếch không bơi mà chỉ xoay tròn hoặc ngửa bụng, bụng trướng to, bỏ ăn sau vài ngày thì chết.

Cách phòng, chữa trị: Luôn giữ môi trường nước sạch bằng cách thay nước, đồng thời sử dụng nước vôi trong té định kỳ. Cho ếch ăn đủ chất, hạn chế dư thừa. Khi phát hiện ếch bị bệnh cần giảm 70% lượng thức ăn (vì càng cho ăn ếch càng chết), cách ly những con ếch bệnh, dùng Iodine hoặc BKC với liều lượng 7 – 10 ppm khử trùng nước 2 lần (2 ngày/lần). Sử dụng thuốc kháng sinh Docyxycline (dùng cho thú y) liều lượng 10 – 12 g/100 kg ếch trộn với thức ăn, bao dầu lại rồi cho ăn liên tục 5 – 7 ngày. Trong 2 – 3 ngày đầu, những con yếu vẫn tiếp tục chết rải rác, sau đó giảm dần và dứt hẳn sau 7 – 10 ngày.

Ban KHKT - Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!