Hội Nghề cá Sóc Trăng: Ưu tiên chất lượng tôm nuôi

Chưa có đánh giá về bài viết

Hội Nghề cá tỉnh Sóc Trăng gồm 6 huyện hội, 1 thành hội, 1 hiệp hội cá tra kế sách, 1 hội viên liên kết, 10 hội viên tập thể. Tổng số 2.637 hội viên sinh hoạt trong 129 chi hội cơ sở. Hội định hướng năm nay tập trung triển khai biện pháp giúp nuôi tôm hiệu quả cao.

Đặt trọng tâm vào nuôi tôm

Theo ông Võ Văn Bé – Chủ tịch HNC Sóc Trăng, với đặc thù một tỉnh có điều kiện tự nhiên hợp với nuôi tôm, từ khi hoạt động cho đến nay, Hội xác định nhiệm vụ trọng tâm là tập trung cho nuôi tôm, công tác hoạt động triển khai gắn với việc đem lại hiệu quả nuôi trồng.

Năm 2012, diện tích tôm bị bệnh chiếm hơn 50% (22.944 ha) tổng diện tích nuôi tôm toàn tỉnh. Người nuôi gặp khó khăn về vốn, Hội đã tham mưu ngân hàng về khoanh, giãn nợ, tạo điều kiện cho người nuôi được vay vốn tái sản xuất. Hướng cho hội viên hiểu được việc nuôi tôm không chỉ đảm bảo tiêu thụ trong nước mà còn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu; nuôi tôm theo hướng an toàn thực phẩm.

Vụ tôm năm nay, Hội khuyến cáo người nuôi chọn vụ cho thích hợp, nuôi thưa, với mật độ vừa phải, giải pháp kỹ thuật về con giống, cải tạo ao, xử lý kịp thời khi dịch bệnh xảy ra. Hội cũng ưu tiên khuyến khích nhân rộng những mô hình đạt hiệu quả cao năm 2012, giúp người nuôi nắm bắt quy trình sản xuất, vận dụng vào thực tế. Với tình hình bệnh trên tôm, công tác phòng chống dịch bệnh phải được chú trọng tăng cường.

 

Những cố gắng không ngừng nghỉ

Năm 2012, HNC Sóc Trăng hoạt động chủ yếu trên cơ sở kết hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT Sóc Trăng; kết hợp với Trạm Khuyến nông các huyện Thạnh Trị, Mỹ Xuyên… tổ chức những lớp tập huấn nuôi trồng thủy sản; tham gia đóng góp những nội dung liên quan phát triển ngành cá tra Việt Nam (văn bản, vốn vay ngân hàng…), tuyên truyền về thủy sản và chiến lược phát triển ngành.

Năm 2013 được xác định tiếp tục vượt khó. Ông Bé cho biết: Hội xác định tích cực tìm biện pháp khắc phục những tồn tại, yếu kém của những năm qua và vận động thành lập Hội thủy sản các huyện, thị xã và xã, phường trọng điểm, kết nạp thêm hội viên mới. Trong đó, mở rộng hoạt động tới các cấp hội đồng đều và thường xuyên hơn.

Ngoài ra, Hội thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật, các quy định của cơ quan chức năng, tổ chức kinh tế, thương mại, nghề nghiệp trong và ngoài nước liên quan sản xuất, kinh doanh nghề cá, như: các văn bản về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; về cứu nạn, cứu hộ trên biển; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; các văn bản pháp luật về quản lý vùng nuôi, sản xuất giống thủy sản; quản lý thức ăn, chế phẩm sinh học, hóa chất, chất xử lý môi trường; các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ và các quy định liên quan…   

>> Năm 2013, tổng diện tích dự kiến nuôi thủy sản toàn tỉnh Sóc Trăng 69.830 ha (tôm sú 43.170 ha, TTCT 3.300 ha). Diện tích thả đến ngày 17/5/2013 là 18.660 ha (tôm sú 8332 ha, TTCT 4.017 ha, năng suất tôm sú 1,5 tấn/ha, TTCT 6 tấn/ha).

Thảo Dương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!