Sáng ngày 27/2, tại Đồng Tháp, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã dự và chỉ đạo Hội nghị bàn về sản xuất, tiêu thụ lúa và thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và một số hiệp hội, doanh nghiệp đã tập trung phân tích, xác định những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, tiêu thụ lúa và thủy sản của vùng hiện nay.
Về lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ thủy sản: Theo báo cáo tại Hội nghị, trong năm 2012, sản xuất, tiêu thụ tôm nước lợ và cá tra gặp rất nhiều khó khăn về dịch bệnh và thị trường đặc biệt là các rào cản kỹ thuật của các thị trường có mức tiêu thụ lớn Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, gây thiệt hại, thua lỗ cho người nông dân và doanh nghiệp.
Về tôm: Năm 2012 có 30 tỉnh/thành nuôi tôm nước lợ, đã thả nuôi 655.156 ha, đạt sản lượng 487.960 tấn. So với năm 2011 diện tích giảm 0,2% , sản lượng giảm 1,6%. Cũng trong năm 2012, cả nước có khoảng 100.776 ha diện tích tôm nước lợ bị thiệt hại do dịch bệnh (trong đó 91.174 ha nuôi tôm sú và 7.068 ha nuôi tôm thẻ), bao gồm hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS), đốm trắng, đầu vàng…gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng đến sản lượng, giá trị xuất khẩu. Nhu cầu tiêu thụ tôm trên thị trường thế giới sụt giảm đã dân đến giá tôm nguyên liệu trong năm biến động bất thường, đặc biệt là trong quý II, có thời điểm giá giảm tới 50%. Đến nay tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn diễn biến thất thường và khó kiểm soát.
Về cá tra: Trong năm 2012, tổng diện tích nuôi cá tra toàn vùng đạt 5.910ha, sản lượng đạt 1.285.500 tấn; so với năm 2011, mặc dù diện nuôi tăng 480ha nhưng sản lượng tăng 90.256 tấn. Tình hình tiêu thụ cá tra nguyên liệu diễn biến phức tạp; ba tháng đầu năm, việc tiêu thụ cá tra tương đối thuận lợi giá cá tra ở mức khá cao, dao động 26.500 – 28.500 đa số các hộ nuôi đều có lãi. Đến cuối tháng 3 năm 2012 trở lại đây, giá cá tra liên tục giảm mạnh (có vài thời điểm thấp nhất là 18.000 đ/kg), giá cá hiện nay dao động 19.200 – 23.500 đồng/kg, trong khi đó giá thức ăn thuỷ sản đã tăng thêm 700 – 1.200đ/kg, người nuôi vẫn tiếp tục chịu lỗ từ 2.000 – 5.000đ/kg. Năm 2012, Việt Nam xuất khẩu cá tra sang 142 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng so với 136 quốc gia và vùng lãnh thổ của năm 2011. Xuất khẩu cá tra năm 2012 đạt 1,744 tỷ USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2011.
Nhìn chung, trong năm 2012,sản xuất và tiêu thụ thủy sản trong vùng gặp nhiều bất lợi như: Thiếu hụt về vốn sản xuất, chế biến, tiêu thụ thì dịch bệnh, thị trường xuất khẩu sụt giảm và cạnh tranh quyết liệt. Đặc biệt tình hình dịch bệnh trên tôm đến nay vẫn chưa kiểm soát được. Sự cạnh tranh nội bộ và mất cân đối quan hệ cung cầu khiến cá tra bị mất giá trị thực trên thị trường, gây thiệt hại nặng cho cả người nuôi và doanh nghiệp.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn này, các đại biểu đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành trung ương tập trung rà soát và hoàn thiện thể chế, chính sách, giải quyết rào cản kỹ thuật; đổi mới công tác xúc tiến thương mại, ổn định nguồn nguyên liệu và thị trường xuất khẩu; đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất, chế biến, cơ cấu lại vốn vay, đồng thời chỉ đạo Bộ Công thương chủ trì cùng các đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc xuất khẩu mặt hàng tôm đối với thị trường Mỹ (chống bán phá giá và trợ cấp), Nhật Bản (hạn mức dư lượng Ethoxyquyn) và các thị trường trọng điểm khác. Ưu tiên vốn để đẩy mạnh đầu tư hạ tầng phát triển thuỷ sản tại Đồng bằng sông Cửu Long theo các Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị đại biểu các cơ quan Trung ương, tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL tập trung tìm chủ trương, giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ lúa và thủy sản cho nông dân và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.
Cũng theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, để đảm bảo hiệu quả sản xuất, tiêu thụ lúa, thủy sản cho vùng, các bộ, ngành kết hợp các địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, nắm bắt diễn biến thị trường; xây dựng cơ chế giám sát tạm trữ; các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay khôi phục sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững.