Hội nghị giao ban về nuôi tôm nước lợ và sản xuất giống các tỉnh Nam Trung Bộ

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngày 10/5/2013, tại Phú Yên, Tổng cục Thuỷ sản đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên tổ chức Hội nghị giao ban về nuôi tôm nước lợ và sản xuất giống thủy sản các tỉnh Nam Trung Bộ. Ông Nguyễn Huy Điền (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản) và ông Biện Minh Tâm (Giám đốc Sở) đồng chủ trì Hội nghị.

Về tình hình nuôi

Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2013, các tỉnh ven biển đã tích cực triển khai kế hoạch nuôi tôm nước lợ nhằm đạt được chỉ tiêu sản lượng đã đề ra. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ (từ báo cáo của 12 tỉnh): Tính đến ngày 27/4/2013, các tỉnh ven biển đã thả giống trên 512.575 ha, trong đó tôm sú 505.103 ha, tôm thẻ chân trắng 7.472 ha.

Đầu năm tới nay, do thời thiết không thuận lợi, nắng nóng bất thường ở các tỉnh ĐBSCL nên tình dịch bệnh vẫn xảy ra. Đầu năm 2013, bệnh xuất hiện nhiều nhất ở tôm là bệnh đốm trắng. Trong khi năm 2011 và 2012, bệnh tôm chủ yếu là hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính (chưa phát hiện bệnh liên quan đến hội chứng Taura). Năm 2012, cả nước có tới 106.000 ha tôm nuôi bị thiệt hại, tập trung chủ yếu ở ĐBSCL. Sang năm 2013 (tính đến ngày 27/4/2013), diện tích nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại khoảng 14.550 ha, chiếm trên 2,8% tổng diện tích thả nuôi. Trong đó, diện tích tôm sú bị thiệt hại là 13.884 ha (chiếm 2,7% diện tích thả nuôi), tôm chân trắng là 666 ha (chiếm 8,9% diện tích thả nuôi).

Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên tôm. Được sự tham gia tích cực của các đơn vị (như: Viện Nghiên cứu NTTS, trường ĐH Cần Thơ, Cục Thú Y, Tổng cục Thủy sản) và các chuyên gia nước ngoài, đến nay đã bước đầu xác định được nguyên nhân gây bệnh ở tôm. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Hội trứng hoại tử gan tụy có liên quan chặt chẽ với sự có mặt của vi khuẩn Vibrio mật độ cao nhiễm phage (một dạng virus sống trong Vibrio) và sự biến đổi bất lợi của môi trường ao nuôi. Nhiễm phage trong quá trình phân bào tạo ra chất độc gây hại cho tôm. Trong số hơn 40 loài Vibrio thường gặp thì lưu ý 3 loài có khả năng kết hợp với phage gây độc là Vibio parahaemolyticus, V. harveyi V. vulnificus.

Cùng với việc nghiên cứu tìm nguyên nhân gây dịch bệnh tôm, Tổng cục Thủy sản cũng đã tiến hành tổng kết những mô hình nuôi thành công trong vùng dịch bệnh và đầu năm 2013 đã có văn bản hướng dẫn các địa phương áp dụng quy trình được tổng kết từ thực tiễn sản xuất. Tại hội nghị giao ban NTTS các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL (tổ chức ngày 18/4/2013), các địa phương báo cáo đã áp dụng đúng quy trình kỹ thuật và thu được kết quả tốt, giảm được diện tích tôm nhiễm bệnh.

Năm 2013 được các chuyên gia ngành thuỷ sản dự báo là tình hình bệnh dịch trên tôm sú và tôm chân trắng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2013, Tổng cục Thủy sản đã quán triệt toàn ngành thực hiện Công văn số 2309/TCTS-NTTS ngày 26/11/2012 về việc thực hiện khung lịch mùa vụ nuôi tôm. Các địa phương căn cứ vào thực tế, đã có các văn bản hướng dẫn thả giống để người nuôi triển khai kế hoạch sản xuất.

Về phía Tổng cục Thuỷ sản, đã phối hợp với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức kiểm tra điều kiện sản xuất kinh doanh của các cơ sở sản xuất giống tôm sú và tôm thẻ chân trắng tại hai tỉnh trọng điểm Ninh Thuận và Bình Thuận; cơ sở sản xuất kinh doanh chế phẩm sinh học, cơ sở nuôi tôm nước lợ tại các tỉnh trọng điểm như Sóc trăng, Bạc Liêu, Trà Vình, Bến Tre và Cà Mau. Đầu tháng 2 vừa qua, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức gặp mặt báo chí thông báo về kết quả bước đầu nghiên cứu Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính ở tôm nuôi.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ luôn theo dõi sát tình hình nuôi tôm, hàng tháng có các chỉ đạo kịp thời thông qua các hội nghị giao ban và hội thảo về NTTS. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở cho hoạt động quản lý. Ngay từ đầu năm đã ban hành Thông tư 01/2013/TT-BNNPTNT kèm theo biểu mẫu về kiểm tra, đánh giá và phân loại điều kiện sản xuất kinh doanh giống, chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường, kinh doanh thức ăn và vùng nuôi làm cơ sở cho các địa phương tiến hành kiểm tra, đánh giá và phân loại các cơ sở trên địa bàn.

Tình hình sản xuất tôm giống 4 tháng đầu năm 2013

Đến cuối năm 2012, cả nước có 1.529 cơ sở sản xuất giống tôm sú, sản xuất được hơn 37 tỷ con giống; 185 cơ sở giống tôm chân trắng, sản xuất được gần 30 tỷ giống . Sang năm 2013 (tính đến hết tháng 4), cả nước có 1.425 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 103 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng. So với cùng kỳ năm 2012, số cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ giảm (bằng 90% số trại năm 2012). Với sản lượng giống sản xuất ước trên 17 tỷ con (trong đó 13,5 tỷ giống tôm sú và 3,5 tỷ giống tôm thẻ chân trắng).

Số lượng trại sản xuất tôm nước lợ chủ yếu tập trung tại các tỉnh Nam Trung Bộ; trong đó tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa và Phú Yên khoảng 623 trại, chiếm 40% tổng số trại sản xuất giống tôm trên cả nước, sản lượng giống tôm nước lợ ở khu vực này cung cấp khoảng 70% sản lượng giống của cả nước. Ngoài ra các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang cũng cung cấp cho thị trường một lượng lớn tôm giống. Tuy nhiên, chất lượng tôm giống nhìn chung không đồng đều. Những cơ sở có uy tín con giống được tiêu thụ rất tốt, giá cao. Giá giống tôm sú 50-70 đồng/con, giống tôm thẻ chân trắng 80-90 đồng/con. Tại các tỉnh miền Bắc như Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định do chi phí vận chuyển tăng cao, giá giống lên đến hơn 90 đồng/con.

Trong 4 tháng đầu năm, hầu hết các cơ sở sản xuất tôm giống luôn chấp hành đầy đủ quy định quản lý, sử dụng tôm bố mẹ có nguồn gốc, đúng thời hạn theo quy định và quan tâm tới lợi ích của khách hàng. Tuy nhiên vẫn còn nhiều tôm giống không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường gây thiệt hại cho người nuôi (tôm dễ nhiễm bệnh, bị phân đàn, tốn thức ăn nhưng không lớn, hiệu quả sản xuất thấp).


Một số vấn đề tồn tại trong sản xuất tôm giống hiện nay  

Một trong những nguyên nhân dẫn tới tôm giông kém chất lượng đó là tình trạng có một số cơ sở đã tự gia hóa tôm bố mẹ, tự ý phát tán, vi phạm quy định quản lý của nhà nước. Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp sản xuất tôm thẻ chân trắng nhập ít tôm bố mẹ nhưng sản xuất được rất nhiều giống. Theo thống kê của Trung tâm Thú y vùng 6, năm 2012 và 3 tháng đầu năm 2013, cả nước đã nhập khẩu 67.959 con tôm chân trắng bố mẹ. Trong khi, để sản xuất được 30 tỷ tôm giống đảm bảo chất lượng phải cần tới 200.000 tôm bố mẹ nhập khẩu nguồn gốc Hawaii. Điều đó chứng tỏ một số lượng lớn tôm thẻ chân trắng bố mẹ các cơ sở đưa vào sản xuất là không kiểm soát được nguồn gốc.

Tôm sú bố mẹ nguồn trong nước khai thác vùng gần bờ (chủ yếu tại vùng Rạch Gốc, Cà Mau) chất lượng không cao, tỷ lệ đẻ thấp, không được xét nghiệm bệnh. Nhiều cơ sở chưa nắm vững công nghệ sản xuất giống, phụ thuộc vào các chuyên gia nên việc sản xuất bấp bênh, chất lượng không ổn định.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Huy Điền đã đề nghị lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại các tỉnh Nam Trung Bộ cần tập trung hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất; cử cán bộ kiểm tra chặt chẽ các yếu tố đầu vào và điều kiện sản xuất kinh doanh; tổ chức vận động các hộ nuôi áp dụng đúng quy trình kỹ thuật (do Tổng cục Thuỷ sản khuyến cáo) để đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm.

FICEN

tongcucthuysan.gov.vn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!