Ngày 5/3/2013, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức Hội nghị phổ biến nội dung dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Luật Biển Việt Nam năm 2012. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai chủ trì Hội nghị.
Tại hội nghị, toàn thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên chức Tổng cục Thủy sản đã được nghe Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo, Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp – Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành viên Ban thư ký sửa đổi Hiến pháp trình bày nội dung cơ bản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Sau bài trình bày của tiến sĩ Đinh Xuân Thảo, rất nhiều đại biểu tham dự đã đưa ra ý kiến đóng góp cho Dự thảo sửa đổi, chủ yếu tập trung vào điều 4 quy định về Đảng Cộng sản Việt Nam, quy định về bộ máy chính quyền địa phương, các quy định về quyền hạn của Hội đồng Hiến pháp, các quy định tại điều 56, 57, 58 liên quan đến tài sản hợp pháp và quyền sử dụng đát là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ, quy định của điều 70 liên quan đến lực lượng vũ trang nhân nhân… Tiến sĩ Thảo đánh giá cao những ý kiến xác đáng của các đại biểu và sẽ xem xét để kiến nghị bổ sung, sửa đổi vào Dự thảo đồng thời cũng nhiệt tình trả lời các câu hỏi, thắc mắc của các đại biểu xoay quanh Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Phần phổ biến nội dung cơ bản của Luật biển Việt Nam năm 2012 và một số vấn đề liên quan đến Biển Đông được ông Nguyễn Duy Chiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, Tổ trưởng Tổ soạn thảo Luật biển Việt Nam năm 2012 trình bày. Bài giới thiệu của ông Nguyễn Duy Chiến được các đại biểu chăm chú lắng nghe và tiếp nhận các thông tin bổ ích, cụ thể và dễ hiểu và hết sức thu hút.
Theo ông Nguyễn Duy Chiến, Việt Nam là quốc gia ven biển với bờ biển dài 3.200 km và hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ , kinh tế biển và các ngành liên quan đến biển đã đóng góp lớn vào nền kinh tế đất nước. Từ khi tham gia công ước Luật biển năm 1982 của Liên hiệp quốc, Nhà nước ta đã sử dụng các nguyên tắc và quy định của văn kiện pháp lý quốc tế này để quản lý và bảo vệ biển Việt Nam.
Các nước ven biển đông và các nước khác đều có các Luật về lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Việt Nam cũng cần có Luật về biển của mình, nhưng cho đến năm 2012 mới chỉ có các văn bản dưới Luật. Việc ban hành Luật biển Việt Nam vì thế là tất yếu.
Để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của nước ta, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển đảo và phát triển kinh tế biển Việt Nam, làm cho quy phạm pháp luật của nước ta hài hòa với quy định của Công ước Luật Biển năm 1982, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Năm 1994, Quốc hội nước ta thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS). Năm 1998, Quốc hội Khóa X đưa việc xây dựng Luật biển Việt Nam vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội. Chính phủ giao Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp với các Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan xây dựng Luật. Trong quá trình xây dựng luật biển Việt Nam, chúng ta đã xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế , an ninh, quốc phòng của Việt Nam, căn cứ vào Hiến pháp năm 1992, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, Công ước Luật biển năm 1982, các quy định của nước ta, tham khảo Luật về biển của các nước ven biển đông cũng như ở các khu vực khác.
Luật Biển Việt Nam được chuẩn bị kỹ lưỡng trong 14 năm, bộ Chính trị và Quốc hội nhiều lần thảo luận và cho ý kiến chỉ đạo. Tháng 12/2011, kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII tiếp tục thảo luận và cho ý kiến đối với các nội dung quan trọng của dự thảo Luật. Quốc hội cơ bản nhất trí với Dự thảo, nhưng còn một số điểm cần hoàn thiện thêm nên để đến kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2012) xem xét thông qua. Trong năm 2012, các cơ quan Quốc hội đã khẩn trương phối hợp với cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thông qua Luật biển Việt Nam với số phiếu tán thành 495/496, đạt tỷ lệ 99,8%.
Luật biển Việt Nam gồm 7 chương, 55 điều. Chương 1: Những quy định chung (7 điều), chương 2: Vùng biển Việt Nam (14 điều), chương 3: Hoạt động trong vùng biển Việt Nam (20 điều), chương 4: Phát triển kinh tế biển (5 điều), chương 5: Tuần tra, kiểm soát trên biển (3 điều), chương 6: Xử lý vi phạm (4 điều), chương 7: Điều khoản thi hành (2 điều).
Luật biển Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013.
Việc thông qua Luật biển Việt Nam là một hoạt động lập pháp quan trọng nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan biển, đảo nước ta. Lần đầu tiên nước ta có một văn bản Luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý của các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng Công ước Luật biển năm 1982, làm cơ sở pháp lý quan trọng cho việc quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo nước ta. Nội dung của Luật hoàn toàn phù hợp với Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc.
Việc Luật biển Việt Nam khẳng định chủ trương giải quyết các tranh chấp biển đảo với các nước bằng các biện pháp hòa bình đã chuyển thông điệp quan trọng của nước ta đến toàn thế giới: Việt Nam là một nước thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là các điều kiện quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó Công ước Luật biển năm 1982, quyết tâm phấn đấu vì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển của khu vực và trên thế giới.
Kết luận Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Ngọc Oai đã đánh giá cao buổi làm việc cũng như ý nghĩa của Hội nghị đối với hai nội dung quan trọng là sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Luật Biển năm 2012. Các ý kiến đóng góp tại Hội nghị về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ được tổng hợp và báo cáo, sẽ là nguồn thông tin quý giá cho quá trình hoàn thiện.