Thực trạng ngành cá tra đang cho thấy chất lượng thấp ở mọi khâu: Giống có tỷ lệ sống thấp; Nuôi thiếu quy hoạch, thiếu kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ môi trường; Chế biến xuất khẩu thiếu chiến lược nên ở thị trường ngoài nước cạnh tranh kém nhưng trong nước lại tranh giành nhau gay gắt; Kênh phân phối yếu, thiếu hiểu biết khách hàng, hơn thế là sự phụ thuộc vào nhà phân phối trung gian. Kết quả, sản xuất ngày càng xa tiêu dùng, bất lợi ngày càng lớn.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam Võ Hùng Dũng cho rằng ngành cá đang hội nhập ngược trở lại trong chuỗi. Thay vì thuận chiều là hội nhập để phát triển thị trường, cạnh tranh ở nước ngoài, nâng cao hiệu quả kinh tế trong nước thì các doanh nghiệp chế biến lại lúng túng bên ngoài và quay về mở rộng vùng nuôi, sản xuất thức ăn để tăng cạnh tranh trong nước. “Đây là sự thất bại điển hình trong các mô hình đã được nghiên cứu. Nó chỉ đưa đến hậu quả là thu hẹp thị trường ở nước ngoài, tăng cạnh tranh trong nước. Cuối cùng là giảm lợi nhuận, kiệt tài nguyên, tăng xung đột, rồi đổ lỗi trong nước”, ông Dũng nói.
Khi hình thành tổ hợp khép kín (từ giống, sản xuất thức ăn đến nuôi, chế biến xuất khẩu) thì nó đã ngăn cản cạnh tranh, làm giảm hiệu quả. Sức mạnh thâu tóm của các nhà máy chế biến đối với các hộ nuôi tăng lên, các hộ nuôi ngày càng yếu, dẫn đến rủi ro rất lớn cho cả ngành về quản trị, vượt tầm kiểm soát. Khi đó, tất yếu giảm hiệu quả nguồn vốn xã hội.
Ông Dũng đề xuất tái cơ cấu toàn diện ngành cá tra, đưa hội nhập vào chiều thuận. Trước hết, nghiên cứu phát triển thị trường để tăng lượng tiêu dùng, tăng kim ngạch xuất khẩu, thiết lập mối quan hệ gần gũi với khách hàng. Về sản phẩm, từ thị trường mà định vị sản phẩm, định vị khách hàng, chất lượng sản phẩm, các phân khúc sản phẩm, cải thiện mức giá, xây dựng thương hiệu. Song song, tái cấu trúc về tài chính ở doanh nghiệp chế biến, ở khu vực nuôi, đổi mới quản trị để tăng hiệu quả kinh doanh, liên kết tăng năng lực cạnh tranh của ngành. Khu vực nuôi cải thiện chất lượng con giống, sản xuất sạch và bền vững.
Tuy nhiên, vấn đề là ai làm? Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Thị Hồng Minh, vai trò của Chính phủ là chính sách tập trung cho phát triển sản phẩm: hỗ trợ phát triển thị trường, vốn, đầu tư. Còn chủ thể thực hiện tái cơ cấu phải là cộng đồng doanh nghiệp mà đại diện là các hiệp hội. Nhưng hiệp hội nào, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) hay Hiệp hội Cá tra Việt Nam? Bà Minh đề xuất “cơ chế phối hợp, liên hiệp hội, có sự tham gia của hai Hiệp hội”.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam Hồ Văn Vàng ủng hộ vai trò tự quản của hiệp hội. Tuy nhiên, ông băn khoăn: “Hiệp hội không có quyền, tiền, tức là không có lực thì làm sao quản lý? Hiện nay, chúng tôi làm việc không lương. Để có thể đảm đương vai trò, Nhà nước cần giao quyền cụ thể cho Hiệp hội”. Về cơ chế phối hợp hiệp hội như đề xuất của bà Minh, ông Vàng đặt câu hỏi: Nhưng VASEP có chịu ngồi lại với Hiệp hội Cá tra để cùng làm việc hay không?