Sáng 23/10, Hội thảo quốc tế về “Thực trạng vấn đề chủ quyền Biển Đông và Giải pháp” do Trường Đại học Chosun và Trường Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức đã diễn ra tại trường Đại học Tổng hợp Chosun, Gwangju, Hàn Quốc.
Tham dự hội thảo có Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Trần Trọng Toàn, Hiệu trưởng Đại học Chosun Suh Jae-hong cùng đông đảo các giáo sư, nhà nghiên cứu, sinh viên, nghiên cứu sinh của hai nước.
Phóng viên TTXVN từ Gwangju cho hay, phát biểu khai mạc hội thảo, Hiệu trưởng Đại học Chosun Suh Jae-hong nhấn mạnh với mục tiêu cùng nhau trao đổi thẳng thắn, cởi mở về quan điểm, những chứng cứ lịch sử liên quan, hy vọng các nhà nghiên cứu sẽ đưa ra được những giải pháp mang tính khuyến nghị, góp phần giúp các nước giải quyết vấn đề tranh chấp trong hòa bình, giữ ổn định trong khu vực.
Trong phát biểu của mình, Đại sứ Trần Trọng Toàn nhấn mạnh: “Đây là một cuộc hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng và thiết thực trong bối cảnh các tranh chấp lãnh thổ trên biển và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa ngày càng gay gắt tại khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á.”
Đại sứ Trần Trọng Toàn tham dự hội thảo. (Ảnh: Anh Nguyên-Việt Cường/Vietnam+)
Theo Đại sứ, là một quốc gia ven Biển Đông và thành viên Công ước Luật Biển 1982, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời, Việt Nam cũng có chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác định theo đúng các quy định của Công ước Luật Biển 1982.
Lập trường của Việt Nam về việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thể hiện rõ và nhất quán, đó là: Việt Nam cam kết thực hiện nghiêm chỉnh Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Hướng dẫn thực hiện DOC giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, cam kết tích cực cùng các nước ASEAN thúc đẩy đàm phán để sớm ký với Trung Quốc Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) theo đúng tinh thần Tuyên bố 6 điểm.
Trong một ngày hội thảo, các học giả sẽ trình bày các tham luận về “Điểm tương đồng và khác biệt trong tranh chấp lãnh thổ giữa khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á: Trường hợp chủ quyền đảo của Việt Nam và Hàn Quốc;” “Căn cứ và sự thật lịch sử về chủ quyền quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam;” “Chiến lược của Việt Nam trước những mâu thuẫn về quyền sở hữu quần đảo trên Biển Đông và chủ nghĩa dân tộc Hồ Chí Minh;” “Thực trạng tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và một số quan điểm của Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông hiện nay;” “Về yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc đối với biển Đông”.