Hội Thủy sản Việt Nam nỗ lực góp phần phát triển đất nước

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngày 31/10/2023, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 861/QĐ-BNV cho phép Hội Nghề cá Việt Nam đổi tên thành Hội Thủy sản Việt Nam và phê duyệt Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hội Thủy sản Việt Nam. Tạp chí Thủy sản Việt Nam có cuộc phỏng vấn đầu xuân 2024 với Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng (nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT), Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam về mục tiêu của Hội trong thời gian tới.

Đâu là lý do sau nhiều năm hoạt động Hội Nghề cá Việt Nam nay lại đổi tên thành Hội Thủy sản Việt Nam, thưa ông? 

Theo thời gian và sự phát triển của xã hội, đa số hội viên cho rằng Hội Nghề cá Việt Nam nên lấy tên là Hội Thủy sản Việt Nam. Rõ ràng tên ngư nghiệp (nghề cá) không còn phổ biến nữa. Trên các phương tiện truyền thông, người ta thường sử dụng cái tên thủy sản để chỉ ngành đánh bắt và nuôi trồng. Nhiều hội nghề cá địa phương đã tự đổi tên thành Hội Thủy sản. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nghề cá Việt Nam lần thứ II, Đại hội lần thứ III, Đại hội lần thứ IV, các đại biểu đều đề xuất đổi tên Hội Nghề cá Việt Nam thành Hội Thủy sản Việt Nam. Đề xuất này nhận được sự đồng ý của Bộ NN&PTNT, tuy nhiên chưa được Bộ Nội vụ chấp thuận. 

Với sự phát triển của Hội Nghề cá Việt Nam, ngày càng có nhiều hiệp hội tham gia làm thành viên, như Hiệp hội cá ngừ, Hiệp hội cá tra, Hội nước mắm truyền thống… Các hội viên này đều có nguyện vọng đổi tên Hội nghề cá Việt Nam thành Hội Thủy sản Việt Nam. 

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nghề cá Việt Nam lần thứ V, được sự đồng ý của Bộ Nội vụ, Hội Nghề cá Việt Nam đã đổi tên thành Hội Thủy sản Việt Nam. 

Xin ông cho biết cơ chế hoạt động của Hội Thủy sản Việt Nam hiện nay? 

Hội Thủy sản Việt Nam hoạt động nhằm tạo ra một tiếng nói chung cho các hội thành viên, tạo sự thống nhất, cùng phát triển; đồng thời cũng giúp các cơ quan chức năng có đầu mối quản lý và hỗ trợ cho ngành nhanh chóng, hiệu quả hơn. Hội Thủy sản Việt Nam hoàn toàn tôn trọng quy chế và sự hoạt động độc lập của các hội thành viên. 

Thời gian qua, Hội Thủy sản Việt Nam đã hỗ trợ nhiều mặt để Hiệp hội cá tra vượt qua khó khăn, đối với các hội viên nuôi tôm cũng vậy. 

Các hiệp hội khi tham gia vào Hội Thủy sản Việt Nam cũng được tiếp thêm nguồn lực, mở mang thương trường. Hiện nay trong Hội Thủy sản Việt Nam có 32 tỉnh/thành là hội viên và nhiều nơi có nghề đánh bắt, chế biến cá ngừ, điều này giúp cho Hiệp hội cá ngừ có sự tăng trưởng nhanh chóng hơn. 

Vậy theo ông, vai trò liên kết, cầu nối các hội viên của Hội Thủy sản Việt Nam thể hiện như thế nào? 

Hiện nay, theo quy định, các hội hoạt động không có phân cấp trung ương – địa phương như trước đây. Song, nhu cầu về một sự thống nhất trong ngành thủy sản luôn cấp thiết. 

Hội Thủy sản Việt Nam hoạt động có cả bề rộng lẫn chiều sâu. Ngoài 32 tỉnh/thành là hội viên, Hội Thủy sản Việt Nam còn có hàng trăm hội viên độc lập như các viện nghiên cứu, các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu, các liên minh hợp tác xã, các doanh nghiệp sản xuất con giống, thức ăn, thuốc thủy sản… 

Nhờ có sự kết nối, đồng thuận, dựa vào lợi ích chung, Hội Thủy sản Việt nam góp phần vào việc tăng sản lượng, giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường, chia sẻ lợi nhuận, đảm bảo quyền lợi cho cả người nuôi, doanh nghiệp… Hội Thủy sản Việt Nam cùng các hội viên đưa ra những chủ trương, chính sách phù hợp để phát triển. 

Các đồng chí trong Ban chấp hành Hội Thủy sản Việt Nam đều là chủ tịch của các hội ngành và hội địa phương, nên các hoạt động trong hội xuyên suốt, thống nhất và đáp ứng được nhu cầu liên thông. Ví dụ có hội mạnh về nuôi biển, có hội mạnh về nuôi tôm, có hội mạnh về sản xuất giống, có hội mạnh về cá ngừ, có hội lại mạnh về nuôi trồng nhuyễn thể… Hội Thủy sản Việt Nam giữ vai trò là trung tâm để giúp các thành viên giữ được bản sắc của mình, đồng thời phát huy được lợi thế mà không bị chồng chéo với đơn vị, địa phương khác. 

Hội Thủy sản Việt Nam quan tâm như thế nào đến việc dự báo chiến lược phát triển của ngành trong ngắn hạn và dài hạn, thưa ông? 

Hội Thủy sản Việt Nam cố gắng đưa đến cho hội viên các quy hoạch, dự báo của thế giới, khu vực và đất nước… về diện tích, sản lượng, nhu cầu, giá cả…; cung cấp các định hướng về công nghệ, quy trình kỹ thuật mới, giúp cho các hội viện có cái nhìn tổng thể và thiết thực để đưa ra chính sách phù hợp cho mình. Các hội viên cũng có thể tham khảo, học hỏi những cái hay của nhau để áp dụng cho mình, tránh tư duy “đèn ai nấy rạng”. 

Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển của Hội Thủy sản Việt Nam trong thời gian tới? 

Hiện nay, ước tính các hội viên của Hội Thủy sản Việt Nam, bao gồm các lĩnh vực đánh bắt nuôi trồng, sản xuất thức ăn con giống, tiêu thụ nội địa… mỗi năm đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho đất nước, góp phần kết nối với các hội viên chăm lo đời sống cho 4,5 triệu người dân ven biển. 

Hội Thủy sản Việt Nam trong năm 2024 và những năm tiếp theo sẽ tích cực hoạt động theo hướng chuyên nghiệp hóa, góp phần thúc đẩy nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ theo hướng bền vững, hiệu quả, đem tới lợi nhuận cao hơn cho các doanh nghiệp và người nuôi là hội viên. 

Với vai trò của mình, Hội Thủy sản Việt Nam luôn mở cửa đón nhận nhiều hội viên mới là các địa phương, doanh nghiệp, các hợp tác xã… để góp phần thúc đẩy ngành thủy sản Việt Nam lên tầm cao mới. 

Nguyễn Anh (thực hiện)

ÔNG PHAN HUY HOÀNG, CHỦ TỊCH HỘI THỦY SẢN QUẢNG NGÃI 

Phối hợp với ngành chức năng thực hiện nhiều hoạt động 

Năm 2024, Hội Thủy sản Quảng Ngãi sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn, đẩy mạnh công tác tổ chức tuyên truyền, tập huấn kiến thức pháp luật thủy sản, quy định chống IUU trong khai thác thủy sản; cung cấp thông tin về hoạt động của Hội, đến với tất cả cộng đồng ngư dân và doanh nghiệp. Tập trung vào lĩnh vực bảo quản sản phẩm thủy sản đánh bắt, chất lượng sản phẩm chế biến, phòng ngừa dịch bệnh trong NTTS, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường, quản lý nghề cá dựa vào cộng đồng. 

Trong việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Hội tập trung tham gia tư vấn, xây dựng Tổ cộng đồng theo hình thức đồng quản lý. Đồng thời, Hội sẽ phối hợp cùng ngành chức năng, tiếp tục công tác tuyên truyền và hưởng ứng chiến dịch “Hãy làm sạch biển - Tử tế với đại dương”, phối hợp cùng với Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi, thực hiện mô hình quản lý rác thải đại dương. Tuyên truyền ngư dân nói không với rác thải, đặc biệt là khi đánh bắt thủy sản trên biển.

ÔNG NGUYỄN THÀNH HUY, CHỦ TỊCH HỘI THỦY SẢN CÀ MAU 

Ra sức khắc phục những khó khăn, thách thức 

Trong năm 2023, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cấp chính quyền, các ngành và các cấp, Hội Thủy sản đã tích cực phối hợp chỉ đạo, quyết liệt thực hiện các mục tiêu của ngành đã đặt ra, động viên hội viên và ngư dân vượt qua khó khăn, hạn chế thiệt hại kinh tế đến mức thấp nhất. Nhờ đó, năm 2023, chỉ tiêu thủy sản của tỉnh Cà Mau đạt 99,38% so kế hoạch, sản lượng thủy sản tăng so cùng kỳ; diện tích nuôi tôm siêu thâm canh vượt 6,14% kế hoạch năm 2023, tăng 10,49% so cùng kỳ... 

Tuy nhiên, hoạt động của Hội cũng còn một số tồn tại, cần sớm được khắc phục như: Công tác tổ chức Đại hội hết nhiệm kỳ ở một số đơn vị, chưa được thực hiện đúng theo thời gian quy định, tổ chức sản xuất nhiều nơi chưa tốt, hoạt động IUU còn nhiều bất cập... 

Ngọc Diệp (ghi)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!