Sáng 10/9, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức hội thảo “Nông nghiệp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH): Cơ hội và thách thức”. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chủ trì.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trong những năm qua, ở nước ta, phát thải khí nhà kính từ nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất (43,1%). Trong đó, canh tác lúa nước chiếm 57,5%; sử dụng đất nông nghiệp chiếm 21,8%; chăn nuôi và chất thải chăn nuôi chiếm 11,9%.
Các đánh giá bước đầu về tác động của BĐKH đối với ngành trồng trọt Việt Nam cho thấy rằng: Tổng sản lượng sản xuất trồng trọt có thể giảm từ 1 – 5%, năng suất các cây trồng chính có thể giảm đến 10%, đặc biệt đối với sản xuất lúa. Các dự báo cho thấy đến năm 2100, vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ mất đi 7,6 triệu tấn/năm, tương đương với 40,52% tổng sản lượng lúa của cả vùng.
Qua đó, những biện pháp đã được triển khai như chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với nước biển dâng và biến đổi khí hậu như: Xây dựng giải pháp quy hoạch đảm bảo 3,8 triệu ha diện tích đất lúa, trong đó 3,2 triệu ha đất canh tác 2 vụ, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; Giảm phát khí thải nhà kính qua kỹ thuật 3 giảm, 3 tăng, giảm sử dụng tiết kiệm chi phí đầu vào; thúc đẩy quy trình VietGAP trong chăn nuôi; Cải tiến kỹ thuật và công nghệ trong hoạt động khai thác thủy hải sản; Đẩy mạnh trồng rừng, phục hồi rừng, xúc tiến tái sinh và làm giàu từ rừng; xây dựng các hệ thống chống ngập, nước biển dâng tại các thành phố lớn…
Phát biểu tại hội thảo, ông Đinh Vũ Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) cho biết: Hiện nay, nguồn tài trợ ứng dụng công nghệ giảm phát thải còn ít, thiếu cơ chế tạo nguồn tài chính từ hoạt động giảm phát thải cho nông dân và doanh nghiệp. Đây là một trong những thách thức rất lớn đối với công tác ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Ông Thanh khẳng định, giai đoạn 2013 – 2020, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh định hướng thu hút, quản lý nguồn hỗ trợ phát triển chính thức, vay ưu đãi và hỗ trợ quốc tế cho phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với BĐKH. Trước mắt, giai đoạn 2013 – 2015, sẽ ưu tiên kêu gọi tài trợ đầu tư đối với 9 dự án, với tổng mức từ 885,5 – 935,5 triệu USD, nhằm đối phó với BĐKH, giảm những tác động tiêu cực tới nền nông nghiệp trong nước.
Kết luận chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng: Để các nỗ lực ứng phó với BĐKH có hiệu quả, cần tăng cường năng lực của hệ thống quản lý, đủ mạnh, năng động để có thể phản ứng hiệu quả trước những biến đổi. Trong đó, lưu ý phát triển hệ thống thống kê, thông tin và đặc biệt chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực, hướng tới nâng cao lợi ích của người dân và trước hết là những người dân nghèo.
>> Các dự án đầu tư bao gồm: Chương trình giảm phát thải của FCPF/WB (40 – 60 triệu USD); Khôi phục và quản lý bền vững rừng ngập mặn và bảo tồn các khu rừng vùng biên giới (70 triệu USD); Hỗ trợ phát triển nông nghiệp có tưới (150 – 180 triệu USD); Phát triển thủy lợi vùng Trung và Đông Bắc đồng bằng sông Hồng (80 triệu USD); Phát triển thủy lợi Nam Đồng bằng sông Hồng (80 triệu USD); Phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung (77 triệu USD); dự án Thủy lợi Bắc Bến Tre (197,2 triệu USD); Nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi vùng ven biển tỉnh Nam Định, Thái Bình và Hải Phòng (154,3 triệu USD) và dự án Xây dựng Trung tâm phát triển nghề cá vùng Nam Trung bộ (37 triệu USD). |