T2, 06/07/2020 09:50

Hòn Nghệ và nỗi trăn trở của ngư dân

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Sau gần 2 tiếng đồng hồ vượt biển ra khơi, chiếc tàu chở chúng tôi ra Hòn Nghệ đã cặp bến tại bãi Nam. Tại đây, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt mọi người là tàu thuyền tấp nập và các bè cá bồng bềnh trên sóng nước khiến cho ngư cảng càng thêm sống động.

Hòn Nghệ xa xưa

Sách “Gia Định Thành Thông Chí” gọi Hòn Nghệ là Uất Kim Dữ ở về phía Nam của trấn Hà Tiên. Người Pháp gọi Hòn Nghệ là Pô lô-Te-Kere. Ngày nay, xã Hòn Nghệ thuộc huyện Kiên Lương, chu vi 7,5km, là một trong 140 hòn đảo lớn nhỏ ở vùng biển Kiên Giang, cách xa bờ khoảng 22km. Các bậc lão ngư kể rằng, nơi đây xưa kia chỉ là một hòn đảo vắng vẻ, dân cư thưa thớt nhưng nhờ mưa thuận gió hoà và cá tôm hào sảng nên bà con kéo nhau ra đảo sinh sống ngày càng đông, nhất là từ sau năm 1975. Hiện đảo có 509 hộ, đa số sống bằng nghề khai thác hải sản. Nổi tiếng nhất là nghề nuôi cá lồng bè và nghề đánh bắt mực tuột ngoài khơi.

  Ông Trần Văn Hải, một lão ngư 75 tuổi kể rằng, khoảng năm 1960-1970, nhiều thanh niên đã tìm đến đây trốn quân dịch rồi dần dần qui tụ thêm nhiều tàu thuyền qua lại cùng với các ngư dân từ bờ đổ ra phát triển ngành nghề khiến cho hòn đảo trở nên trù phú. Hàng năm đóng góp cho ngành hải sản một lượng cá tôm rất lớn, chưa kể các loại cá nuôi xuất khẩu.

Tàu cá neo đậu trên đảo Hòn Nghệ – Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà con ngư dân Hòn Nghệ tập trung khai thác hải sản bằng các phương tiện cào, lặn, câu thẻ và đánh bắt mực tuộc bằng vỏ ốc. Tính đến đầu năm 2010, toàn đảo có 344 phương tiện đánh bắt, sản lượng hàng năm trên 2.000 tấn hải sản các loại, tạo công ăn việc làm ổn định cho đa số bà con trên biển đảo gồm 2 ấp Bãi Nam và Bãi Chướng. Ông Trần Văn Sùng, một ngư dân đã nhiều năm lăn lộn với nghề cho biết, nghề hiệu quả nhất ở Hòn Nghệ là đánh mực tuột bằng vỏ ốc. Một ghe trang bị khoảng 5.000 con ốc mỗi đêm có thể kiếm trên 1 triệu đồng. Hiện Hòn Nghệ có trên 100 phương tiện đánh bắt theo kiểu này.

 

Và Hòn Nghệ bây giờ

Thế nhưng, kể từ tháng 4/2010, việc khai thác hải sản không còn mang lại hiệu quả nên nhiều thanh niên nam nữ đã bỏ nghề chuyển đi Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh làm công nhân. Số còn lại hoạt động cầm chừng. Anh Đoàn Công Huy, một ngư dân chuyên đi cào và đánh bắt mực tuột buồn bã than: “Gia tài của biển hiện nay đã kiệt quệ rồi, người đi biển đã bắt đầu ngao ngán vì giá xăng dầu quá cao, nhất là các phương tiện đánh bắt lạc hậu không thể ra xa bờ nên sản lượng ngày càng ít đi. Nguyên nhân là do nạn cào bay, cào điện đã vi phạm vùng đánh bắt làm ảnh hưởng đến ngư trường, khiến cho động vật biển cạn kiệt dần”. Nhiều lão ngư tỏ ý bức xúc cho rằng chính các phương tiện cào đôi, cào điện hoạt động ráo riết đêm ngày nên cá lớn, cá nhỏ đều bị tiêu diệt, số còn lại không dám vào bờ. Ngoài ra, một số phương tiện cào bay, cào điện đã khai thác trái phép, vi phạm vùng đánh bắt, khiến cho người đánh bắt mực phải điêu đứng vì ốc bị cuốn trôi.

Khách ra đảo Hòn Nghệ du lịch – Ảnh: Lê Hoàng Vũ

 

Giải pháp nuôi cá lồng bè

Để khắc phục hậu quả, một số ít ngư dân đã tìm cách vay vốn để đầu tư cho các phương tiện đánh bắt xa bờ, một số chuyển sang nuôi cá lồng bè, vừa ít vốn vừa có hiệu quả hơn. Ông Vũ Ngọc Dẽo, một lão ngư từng gắn bó với Hòn Nghệ, nay đã bỏ nghề đánh bắt chuyển sang nuôi cá, mỗi năm lời trên 100 triệu đồng. Theo ông, một người có sẵn lồng bè, đầu tư con giống khoảng 30 triệu đồng, sau 18 tháng, trừ hết các chi phí còn lời trên 50 triệu đồng. Nếu nuôi đúng kỹ thuật, con giống tốt, bảo đảm vốn 1 lời 1.

Hiện nay, các giống cá được nuôi phổ biến tại Hòn Nghệ là cá bóp, mú heo, mú đen, nhiều nhất là mú sao (giá 500.000 đồng/kg) và mú cọp (320.000 đồng/kg). Ngoài ra, ở vùng biển này, Công ty Vĩnh Hằng Sương còn nuôi thử nghiệm thành công giống cá mú nghệ, sau 3 năm cân nặng 20kg.

Từ kết quả đó, cuối năm 2010, số bè cá ở Hòn Nghệ đã lên đến 132 bè, xuất được 65 tấn, hy vọng năm 2011, sản lượng sẽ tăng hơn nhiều. Tuy nhiên, do nguồn con giống kém chất lượng và kỹ thuật chăm sóc chưa cao nên năm vừa qua nhiều hộ nuôi còn gặp không ít bất trắc về con giống. Trước đây, đa số con giống đều thu gom từ nguồn tự nhiên. Hiện nay, phần lớn lấy từ các công ty giống Đài Loan hoặc từ Nha Trang nên giá khá cao. 

Ông Huỳnh Văn Nhiều, Phó Chủ tịch xã Hòn Nghệ cho biết, để đảm bảo cho người nuôi đạt hiệu quả cao, hướng tới UBND xã sẽ kiến nghị với các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý triệt để nạn khai thác trái phép. Đồng thời, xã cũng xây dựng một chương trình khuyến ngư ngay tại địa bàn và cử cán bộ chuyên môn thường xuyên đến hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nuôi để bà con an tâm phát triển nuôi cá lồng bè, mũi nhọn của ngành thủy sản địa phương.

Mặc dù nghề đánh bắt còn gặp nhiều khó khăn, bức xúc, bà con ngư dân còn nhiều trăn trở, nhưng với sự quan tâm của cấp ủy và chính quyền địa phương, đời sống của bà con ở xã Hòn Nghệ từng bước đã được cải thiện và nâng lên. Điều đáng mừng hơn cả là vấn đề an ninh, trật tự xã hội trên đảo thật an toàn, người dân hiếu khách, khiến cho khách du lịch thật sự yên tâm mỗi khi đến thăm hòn đảo này.

>> Cuộc sống ở Hòn Nghệ ngày nay đã có nhiều thay đổi, biến chuyển từ điện – đường – trường – trạm; con đường chiến lược quanh đảo dài 7,5km vừa hoàn thành; 95% hộ dân được sử dụng điện do trạm phát điện cung cấp; 100% hộ dùng nước sạch. Công tác giáo dục, y tế và văn hóa xã hội đều có những bước phát triển không ngừng, học sinh được đến trường, tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,93%.

Huỳnh Văn Nguyệt

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!