(TSVN) – Đó là chủ đề của Hội nghị khách hàng CPF – Combine năm 2021 vừa được Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP. Việt Nam (CP) tổ chức trong các ngày 5, 8 và 10/1 tại các tỉnh: Cà Mau, Sóc Trăng và Trà Vinh. Đây cũng dịp để CP công bố chiến lược phát triển kinh doanh của mình với mục tiêu là đưa mô hình nuôi tôm công nghệ cao đến với mọi nhà.
Theo ông Boonlap Watcharawanitchakul – Phó Tổng giám đốc cấp cao CP, mục đích của Hội nghị CPF – Combine hay còn được gọi là ngày CPF – Combine được CP tổ chức hàng năm nhằm gửi tới khách hàng lời cảm ơn chân thành nhất vì đã giúp CP phát triển, nhân rộng mô hình CPF – Combine một cách hiệu quả; là dịp để CP và khách hàng cùng tổng kết lại sự phát triển của mô hình và công bố chiến lược phát triển cho năm 2021.
Ông Boonlap Watcharawanitchakul phát biểu khai mạc hội nghị tại Sóc Trăng
Đánh giá về sự phát triển và thành công của mô hình CPF – Combine, ông Boonlap Watcharawanitchakul cho biết, đến cuối năm 2020, cả nước đã xây dựng được 13.000 mô hình với tỷ lệ thành công lên đến trên 95% và năng suất bình quân của mô hình là 60 – 70 tấn/ha, nên có thể khẳng định đây là mô hình phù hợp với thực tế và mang lại hiệu quả cao nhất được CP triển khai. Sự thành công đó đã thu hút các ngân hàng thương mại tham gia đầu tư vào mô hình, mà tiên phong là Ngân hàng Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank). Đối với chiến lược phát triển cho năm 2021, bên cạnh việc đầu tư nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản, tôm giống… CP còn mang đến cho khách hàng mô hình CPF – Combine mini, con giống nuôi độ mặn thấp cùng bộ sản phẩm đi kèm, để làm sao người nuôi có ít đất, ít vốn vẫn có thể nuôi theo mô hình công nghệ cao.
Ông Boonlap Watcharawanitchakul cho biết thêm: “CP nhận thấy, đa số vùng nuôi ở ĐBSCL có độ mặn thấp, người nuôi có diện tích ít và vốn thấp, nên CP đã nghiên cứu và đưa ra thị trường con giống thế hệ mới CPF- Turbo Fresh nuôi độ mặn thấp và mô hình CPF – Combine mini để mọi người, mọi nhà đều có thể ứng dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao một cách thành công. Ngoài ra, CP cũng hướng người nuôi đến với nghề nuôi tôm đạt kích cỡ lớn, nhằm tạo sự khác biệt trong xuất khẩu tôm của Việt Nam, góp phần tăng thu nhập cho người nuôi tôm cũng như chủ động hơn trong những thời điểm tôm rớt giá”.
Ký kết hợp tác 4 bên: CP, HDBank, đại lý, người nuôi tôm đề cùng Hợp lực – Vươn xa kể từ năm 2021
Điểm lại chặng đường 5 năm phát triển mô hình, ông Nguyễn Vĩnh Phú – Phó Tổng giám đốc kinh doanh CP, tự hào công bố, các chiến lược phát triển của CP bắt đầu từ Thay đổi – Thành công giai đoạn 2016 – 2018 đến Kết nối – Thành công giai đoạn 2018 – 2020 và Hợp lực – Vươn xa từ năm 2021 đều đạt được mục đích là đem lại sự thành công cho mọi khách hàng của CP. Dấu ấn mà CP để lại ở chiến lược Thay đổi – Thành công chính là sự thay đổi từ nuôi tôm thẻ ao đất sang ao nuôi lót bạt bằng mô hình CPF – Combine Version 1 đã giúp ngành tôm vượt qua giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp và hội chứng chết sớm trên tôm. Sau thành công trên, đến năm 2018, CP tiếp tục đề ra chiến lược Kết nối – Thành công với nhiều sự thay đổi mới lớn hơn và hiệu quả hơn bằng phiên bản CPF – Combine Version 2, nổi bật là hệ thống ao tròn nổi nuôi 2 – 4 giai đoạn, cùng hệ thống xử lý nước nhanh, an toàn sinh học và bảo vệ môi trường giúp hoàn thành mục tiêu “1 giảm, 4 tăng” mà chiến lược đã đề ra (giảm rủi ro, tăng kích cỡ tôm, tăng năng suất, tăng lợi nhuận và tăng tỷ lệ thành công). Đầu năm 2019, với sự góp mặt của tôm giống G19 cùng bộ sản phẩm thức ăn, Biotic… kích cỡ tôm nuôi ngày một lớn hơn và đến cuối năm 2020 này đã có 7 hộ nuôi đạt kích cỡ kỷ lục 15 con/kg. Ông Nguyễn Vĩnh Phú thông tin thêm: “Bên cạnh các hoạt động và kết quả trên, trong chiến lược Kết nối – Thành công, CP đã xây dựng thành công mạng lưới đại lý kiểu mẫu để làm điểm tựa cho người nuôi tôm và đặc biệt là đưa mô hình nuôi tôm công nghệ cao đến với mọi nhà bằng mô hình CPF – Combine mini. Với sự thành công trên, cùng chiến lược Hợp lực – Vươn xa, CP đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đóng góp 50% sản lượng tôm (500.000 – 600.000 tấn) cho cả nước”.
Vinh danh và tri ân khách hàng nuôi tôm đạt kết quả cao
Liên quan đến mô hình đại lý kiểu mẫu, ông Bunchong Buahung – Phó Tổng giám đốc kỹ thuật CP, cho biết, trong tổng số 500 đại lý trên toàn quốc, CP đã xây dựng được 38 đại lý kiểu mẫu và con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Ông Bunchong Buahung cũng chia sẻ thêm về hướng đi thành công và bền vững cho ngành tôm bằng mô hình công nghệ cao CPF -Combine, mà theo ông chỉ có thành công và bền vững mới mang đến nụ cười trúng mùa, trúng giá và lợi nhuận cao cho khách hàng nuôi tôm, đại lý, cũng như tạo được nguồn nguyên liệu tôm vừa có số lượng, vừa có chất lượng cao cho các nhà máy chế biến, xuất khẩu, củng cố niềm tin chất lượng, an toàn của con tôm Việt Nam trong lòng người tiêu dùng thế giới.
Tại Sóc Trăng, hội nghị thu hút hơn 700 đại biểu, khách hàng đến từ 2 tỉnh Sóc Trăng và Kiên Giang
Cũng tại các hội nghị trên, đại biểu và khách hàng CP còn được nghe lãnh đạo cấp cao, chuyên gia kỹ thuật của CP cung cấp thông tin các vấn đề về kỹ thuật, quản lý trang trại, tiềm năng phát triển tôm thẻ CPF – Turbo Fresh… Nhân hội nghị này, đại diện CP, HDBank, đại lý và người nuôi tôm các tỉnh trong khu vực ĐBSCL đã ký kết hợp tác để cùng bắt tay nhau thực hiện thành công chiến lược Hợp lực -Vươn xa kể từ năm 2021. Ngoài ra, CP còn vinh danh khách hàng nuôi tôm có tỷ lệ FCR thấp, nuôi tôm đạt kích cỡ lớn, nuôi đạt năng suất cao… và phát động đăng ký nuôi tôm đạt kích cỡ lớn trong năm 2021 với nhiều giải thưởng có giá trị cao.