Hứa hẹn từ cua cà ra

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Cua cà ra là đặc sản sống trên sông ở một số tỉnh phía Bắc nước ta. Nhờ giàu chất dưỡng và hương vị đặc biệt thơm ngon, nên đối tượng này rất được thị trường ưa chuộng. Đó cũng chính là lý do mà nghề nuôi cua cà ra được nhiều người quan tâm và tìm hiểu.

Đặc điểm sinh học 

Cà ra thuộc lớp giáp xác, bộ mười chân, họ cà ra nước ngọt, giống cà ra và loài Erischei sinensis. Có nơi, cà ra còn được gọi là cua lông, bởi ở đầu càng của chúng có một túm lông đen mềm, mịn như nhung. Cà ra có hình dáng gần giống như con rạm nhưng to hơn nhiều. Nếu như với các loài ghẹ, cù kỳ, cua đều có một càng rất to, một nhỏ, thì cà ra chỉ có hai chiếc càng nhỏ và 8 chân. 

Cà ra hô hấp bằng mang nên loài này thích nghi với đời sống ở nước. Tuy nhiên, nó có thể sống trên cạn từ vài giờ đến vài ngày tùy theo độ ẩm của không khí xung quanh. Trong quá trình di cư sinh sản, cà ra có thể rời môi trường nước để vượt qua những chướng ngại vật (vật cản) hoặc bò khỏi ao, vũng… trong trường hợp nước ao ô nhiễm. 

Mô hình nuôi cua cà ra ở Hưng Yên. Ảnh: Trường Long

Trong tự nhiên, cà ra ăn các loại thức ăn khác nhau, gồm thức ăn thực vật như thực vật thủy sinh (rong lá liễu, rong đầm, rong xương cá, bèo tấm…) và thức ăn động vật như giun, rươi, ốc, rận nước, ấu trùng muỗi đỏ…. 

Cua cà ra thường làm hang ở chỗ nước sâu lên đến 10 m hay trong các kè đá. Loài cua này có tập tính đi ăn đêm nên nếu thả bát quái thì phải thả từ trưa hôm trước đến sáng hôm sau mới nhấc lên được. 

Cà ra là loài có vị ngọt thơm đặc trưng không giống như những loại cua ghẹ khác. Ngoài tự nhiên, cua cà ra chớm mùa vào tháng 7, 8 âm lịch nhưng rộ nhất là khi đông đến tức tháng 9, 10, rất béo và đầy thịt. Lúc đó, cà ra sông vỡ tổ, không ở cố định trong hang mà đi từng đàn. Việc đặt bẫy đánh bắt cũng dễ hơn rất nhiều. Một con cà ra to có thể có trọng lượng lên đến 200 g. 

Trên thế giới, cà ra được nghiên cứu, nuôi và tiêu dùng ở nhiều nước như Singapore, Pháp, Trung Quốc. Hiện, ở Trung Quốc, cà ra được sản xuất giống và nuôi trong các hệ thống ao nước ngọt và ruộng lúa cho năng suất đáng kể. Tại Việt Nam, cà ra thường được khai thác, thu gom, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu ở nhiều vùng cửa sông thuộc Bắc bộ. 

Cung không đủ cầu 

Hiện nay, cà ra chủ yếu khai thác ngoài tự nhiên không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Để góp phần khắc phục tình trạng cung không đủ cầu, mô hình nuôi cà ra trong ao đang được một số địa phương phát triển. Điển hình như tại tỉnh Hưng Yên, Hội đồng Khoa học và Công nghệ huyện Phù Cừ đã thực hiện mô hình “Nuôi cà ra sông trong ao” ở xã Quang Hưng, có quy mô khoảng 3.600 m2 với 7 hộ tham gia vào đầu năm 2022. 

Giống cà ra được người dân bắt tại sông về nuôi thuần dưỡng ban đầu tại HTX Thủy sản Hưng Phát, rồi chuyển qua ao nuôi của các hộ dân với môi trường tương tự môi trường tự nhiên và được nuôi theo quy trình nuôi cua kết hợp với kinh nghiệm nuôi thủy sản của HTX cùng các hộ dân. Theo đánh giá ban đầu của Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên, mô hình này bước đầu cho kết quả khả quan, cà ra sống khỏe mạnh, phát triển tốt. 

Anh Lưu Văn Dũng, Giám đốc HTX Thủy sản Hưng Phát cho biết, thức ăn của cà ra chủ yếu là cá tạp băm vụn ra, còn lại là khoảng 40% cám. Thức ăn phải đảm bảo sạch, không ươn, thối. Đặc biệt, để tránh hiện tượng cua ăn thịt lẫn nhau thì cua giống bắt về phải đồng đều về kích cỡ. HTX đã dành ra khoảng 1.000 m2 để nuôi cà ra. Đây là giống mới đưa vào nuôi nên HTX cũng gặp những khó khăn nhất định, về kinh nghiệm nuôi và nhất là khâu chăm sóc. Với giá bán là 500.000 đồng/kg, lứa đầu tiên anh Dũng đã thu lãi 70 triệu đồng. Hiện HTX cũng đang nuôi cà ra bố mẹ để cho sinh sản tự nhiên, bảo đảm được con giống. 

Theo ông Hoàng Văn Tam, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phù Cừ, đây cũng là lần đầu tiên địa phương thực hiện mô hình nuôi cà ra trong môi trường nước ao. Việc đưa cà ra sông vào nuôi thương phẩm là cần thiết để nhân rộng mô hình, hoàn thiện quy trình nuôi cà ra trong môi trường nước ao tự nhiên, cũng như chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi tới các hộ có nhu cầu, từ đó có thể hình thành chuỗi cung ứng cà ra thương phẩm tại huyện Phù Cừ. 

>> Tại Hải Dương, cà ra thường được thương lái thu mua của những người đánh bắt tại khu vực các sông Thái Bình, Kinh Thầy qua địa bàn thị xã Kinh Môn, các huyện Kim Thành, Thanh Hà, Tứ Kỳ. Hiện cà ra được khai thác quanh năm nhưng chính vụ thường vào tháng 10 và tháng 11. Đặc điểm của cà ra tự nhiên tại các vùng này là hai càng có một nhúm lông màu đen dày và mềm mịn như nhung. Cà ra còn có tên gọi khác là cua lông. Trọng lượng của một con cà ra trưởng thành loại 1 khoảng 150 - 200 g/con nhưng số lượng rất ít, bán với giá khoảng 600.000 đồng/kg. Còn đa số là cà ra loại nhỏ (chỉ tương đương hoặc nhỉnh hơn cua đồng một chút) bán với giá từ 300.000 đồng/kg trở lên. Hiện, trên địa bàn Hải Dương chưa có cơ sở nào nuôi cà ra thương phẩm mà chỉ khai thác từ tự nhiên với sản lượng ít. 

Diệu Châu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!