Đánh bắt hải sản theo kiểu “tận diệt”, hủy hoại môi trường sinh thái biển, các tàu giã cào đang làm ảnh hưởng tới sinh kế của những ngư dân làm nghề khai thác gần bờ tại vùng biển Thừa Thiên Huế. Không chỉ vậy, các đối tượng trên tàu giã cào còn sẵn sàng tông va, phá hoại tài sản, đâm chìm tàu của các ngư dân làm nghề khác nếu phản ứng với họ. Trước thực trạng trên, BĐBP Thừa Thiên Huế đang ra quân tuần tra, xử lý tàu giã cào vi phạm, lập lại trật tự trên vùng biển của tỉnh.
Nỗi ám ảnh của ngư dân
“Mỗi lần đi ra biển thấy tàu giã cào, chúng tôi đứng ngồi không yên vì sợ tàu họ cào lưới của mình” – Ngư dân Hồ Văn Quyến, ở xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế than thở trước thực trạng tàu giã cào đánh bắt hải sản tận diệt hoành hành ở vùng biển Thừa Thiên Huế.
Theo quy định của pháp luật, tàu giã cào (nghề lưới kéo) không được hoạt động ở tuyến bờ, tuy nhiên, do lợi nhuận cao nên các chủ tàu giã cào bất chấp mọi quy định, hoạt động sai tuyến. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các tàu giã cào hoạt động tại vùng biển Thừa Thiên Huế chủ yếu đến từ các tỉnh lân cận. Không chỉ đánh bắt “tận diệt” thủy sản, các tàu giã cào còn cắt đứt ngư lưới cụ của ngư dân Thừa Thiên Huế. Thậm chí, khi ngư dân địa phương phản ứng, xua đuổi, ngư dân trên các tàu giã cào ngoại tỉnh còn đe dọa và sẵn sàng tấn công lại.
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Thừa Thiên Huế bắt quả tang một tàu giã cào hành nghề tại vùng biển cấm khai thác theo quy định – Ảnh: Ngọc Bình
Ngư dân làm nghề đánh bắt ven bờ phản ánh, tàu giã cào hoạt động không đúng tuyến theo quy định thời gian qua đã gây tổn hại nghiêm trọng tới hệ sinh thái vùng biển Thừa Thiên Huế, khiến cho việc mưu sinh của những ngư dân làm nghề ven bờ ngày càng khó khăn.
Nói về hoạt động của tàu giã cào, ông Trần Quân, trú tại thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang bức xúc: “Chúng tôi sống chủ yếu bằng nghề biển, thế nhưng tàu giã cào hoạt động theo kiểu “tận diệt” làm cho ngư trường khai thác ngày càng cạn kiệt, đã triệt đường sống của chúng tôi. Có ngày, chúng tôi chỉ đánh được vài kg cá. Tàu giã cào còn thường xuyên kéo rách lưới, làm hư neo của nhiều phương tiện khác đánh bắt ven bờ”. Cũng trong tâm trạng bức xúc, ông Quyến cho hay: “Trước đây, chỉ cần ra xa bờ vài ba hải lý là đã có thể đánh bắt hải sản. Còn giờ đây, nhiều tàu nhỏ phải liều lĩnh đưa tàu ra xa cả chục hải lý mới có hy vọng”.
Nhiều thủ đoạn “né” cơ quan chức năng
Theo điều tra của BĐBP Thừa Thiên Huế, có thời điểm, có đến 30 chiếc tàu giã cào hoạt động suốt ngày đêm trên vùng biển của tỉnh. Điều đáng nói là theo quy định, tàu cá có công suất từ 90CV trở lên chỉ được phép hoạt động, khai thác ở tuyến khơi, cách bờ biển hơn 24 hải lý. Thế nhưng, một số phương tiện tàu cá với công suất 620CV vẫn ngang nhiên hoạt động trái phép cách bờ biển tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ khoảng 1 hải lý.
Các tàu giã cào có nhiều thủ đoạn né tránh, chống đối gây khó khăn cho cơ quan chức năng. Thiếu tá Trần Minh Toàn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Vinh Hiền cho biết, tại thời điểm tàu giã cào hoạt động đánh bắt trong phạm vi vùng biển bị cấm, lực lượng chức năng cần phải bí mật chốt chặn, phục sẵn bắt quả tang ngay khi tàu giã cào thả lưới xuống cào. Tuy nhiên, khi phát hiện lực lượng chức năng từ xa, các tàu vi phạm thường dùng lưới che biển số đăng kiểm tránh bị quay phim, chụp ảnh.
Thực tế, việc xử lý tàu giã cào gặp rất nhiều khó khăn, bởi các đối tượng hoạt động nhiều vào đêm tối. Trong khi đó, lực lượng chức năng rất mỏng, phương tiện nhỏ, không thể chốt chặn, tuần tra trên biển 24/24 giờ. Nhiều trường hợp, nhìn thấy tàu tuần tra, kiểm soát của BĐBP và các lực lượng chức năng khác từ xa, tàu giã cào lập tức cắt lưới bỏ chạy. Khi lực lượng chức năng đi khỏi, các tàu này mới quay lại để trục vớt. Thậm chí, có một số trường hợp, ngư dân trên tàu giã cào đông, gây áp lực chống lại lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trên biển…
Một hạn chế nữa là hiện, mức xử phạt tàu cá vi phạm còn khá thấp. Theo khung xử phạt hiện tại, tàu cá hoạt động giã cào sai luồng tuyến bị xử phạt hành chính mức cao nhất là 24 triệu đồng. Nếu so sánh với mức thu nhập mỗi chuyến biển của các tàu này thường được trên 100 triệu đồng thì mức xử phạt này không đủ sức răn đe.
Lấy tuyên truyền làm trọng tâm
Đại tá Lê Văn Nguyên, Chính ủy BĐBP Thừa Thiên Huế cho biết: “Các tàu giã cào không chỉ hủy hoại môi trường biển, làm suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản, mà còn tiềm ẩn mất an ninh trật tự tại địa phương do xung đột lợi ích với những ngư dân làm nghề khác. Trước thực trạng này, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, BĐBP Thừa Thiên Huế đã phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân, đồng thời đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý các tàu giã cào vi phạm”..
>> Chỉ trong tháng 4 và đầu tháng 5-2019, BĐBP Thừa Thiên Huế đã phối hợp với các đơn vị liên quan phát hiện, xử lý trên 20 vụ tàu giã cào hoạt động trái phép với số tiền phạt hơn 220 triệu đồng. Đơn vị cũng đã bắt giữ 6 vụ/9 tàu cá của Quảng Ngãi, Bình Định khi đang khai thác giã cào trái phép tại bờ biển tỉnh Thừa Thiên Huế |
Xác định vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền, BĐBP Thừa Thiên Huế đã phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan tổ chức tuyên truyền tập trung nâng cao nhận thức cho người lao động, chủ các tàu cá tại 5 huyện, thị xã ven biển. Bên cạnh đó, các đồn Biên phòng cũng phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền tại các xã để người dân thay đổi nhận thức.
Đại tá Lê Văn Nguyên cho biết thêm, trong thời gian tới, BĐBP Thừa Thiên Huế tiếp tục tăng cường tuyên truyền, tuần tra trên vùng biển trọng điểm như địa bàn các Đồn Biên phòng Phong Hải, Vinh Hiền, Lăng Cô, Chân Mây. “Chúng tôi xác định sẽ kiên trì tuyên truyền bằng hình thức trực tiếp, tập trung đến các tổ tàu thuyền. Đồng thời, tăng cường tuần tra phối hợp với các lực lượng nắm tình hình trên biển. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ phối hợp với BĐBP các tỉnh lân cận quản lý phương tiện, thông báo tàu vi phạm, không cho xuất bến…” – Đại tá Lê Văn Nguyên thông tin.
Bích Nguyên – Ngọc Bình
Nguồn: Báo Biên Phòng