(TSVN) – Ita Sualia là Giám đốc vận hành của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), giám sát các dự án hỗ trợ các doanh nghiệp NTTS vừa và nhỏ, từ ương dưỡng tới xuất khẩu. Sứ mệnh của cô là hỗ trợ sự phát triển ngành NTTS Indonesia ở các khía cạnh như truy xuất nguồn gốc, cấp chứng chỉ ngành tôm và phát triển ngành công nghiệp tảo biển, từ đó tăng khả năng cạnh tranh toàn cầu.
Sualia cho biết, điều đánh thức đam mê của cô đối với ngành NTTS là việc con người có thể can thiệp và kiểm soát khoảng 80% quy trình. Có nghĩa, chúng ta hoàn toàn kiểm soát được các yếu tố quan trọng như con giống, chất lượng nước, và sự cân bằng sinh thái.
Ita Sualia giới thiệu Chương trình Tiêu chuẩn và Chất lượng Toàn cầu (GQSP) tại Jakarta. Ảnh: Thefishsite
Nguồn cảm hứng thứ hai của Sulia chính là bà Ibu Samila, một người quản lý trong lĩnh vực hợp tác tảo biển ở Nam Sulawesi, Indonesia, bà có vai trò hết sức quan trọng trong việc hỗ trợ 300 nông dân nuôi trồng tảo biển. Sualia cho biết: “Một điều đáng ngưỡng mộ ở bà Samila là sự quyết tâm và sức mạnh vô cùng to lớn. Bà không chỉ đào tạo những người nông dân này, mà còn phân công nhiệm vụ cho họ một cách hợp lý, hiệu quả. Bà đã phá vỡ những định kiến về hình ảnh người phụ nữ yếu đuối trong ngành NTTS. Mọi hành động của bà Samila luôn nhấn mạnh về sự bình đẳng giới”.
Sualia cùng nông dân thu hoạch cá măng ở Pemalang. Ảnh: Thefishsite
Sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ về quản lý nguồn lợi thủy sản và ven biển, năm 2005, cô Sualia được tham gia dự án phục hồi Indonesia sau thảm họa sóng thần Aceh-Nias; trong đó công việc của cô tập trung vào khôi phục hệ sinh thái rừng ngập mặn và hỗ trợ sinh kế cho ngư dân ven biển tại các khu vực bị sóng thần tàn phá. Sau này cô chuyển về Bogor để tập trung vào công việc đánh giá tính ứng dụng của các hệ thống chứng chỉ như Hội đồng Quản lý Ngư nghiệp (ASC) và tiêu chuẩn GlobalGAP cho các trại tôm quy mô nhỏ.
Sau đó, cô say mê tìm hiểu cách rừng ngập mặn có thể tích hợp với nuôi tôm và cá măng tại Pemalang. Thời điểm ấy có đến 80% các trại tôm ở Indonesia là theo phương pháp truyền thống, được đặt tại các khu rừng ngập mặn. Sualia vinh dự được giao trọng trách soạn thảo một cuốn sổ tay chỉ dẫn từng bước của việc tích hợp, có tên “Silvofishery”. Một thời gian sau, Sualia trở thành thành viên của Tổ chức UNIDO, với vai trò hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) trong toàn bộ chuỗi cung ứng, từ việc ương dưỡng đến thị trường xuất khẩu.
Ita Sualia tìm hiểu chợ thủy sản. Ảnh: Thefishsite
Năm 2014, UNIDO được nhận một khoản tài trợ từ Chính phủ Thụy Sĩ để cải thiện ngành NTTS Indonesia. Ở giai đoạn đầu của dự án, 2014 – 2019, với tư cách là Giám đốc điều hành của tổ chức, Sualia tập trung vào Chương trình Tiêu chuẩn và Chất lượng Toàn cầu (GQSP) cho ngư nghiệp và NTTS.
Từ 2019 đến 2023 là giai đoạn 2 của dự án, UNIDO tiếp tục đạt được nhiều thành công thông qua việc hợp tác với Bộ Thủy sản và Hải sản (MMAF). Giai đoạn này tập trung vào 5 loại thủy sản chính: tôm, rong biển, cá măng, cá tra và cá da trơn. Với các hoạt động chính xoay quanh việc cung cấp các lớp đào tạo và hướng dẫn cho những người tham gia trong ngành, bao gồm nông dân, sinh viên, trong đó tập trung vào việc tiêu chuẩn hóa và cấp chứng nhận dựa trên các thực hành tốt nhất.
An Vy
(Theo Thefishsite)