Những năm gần đây, số lượng và công suất tàu khai thác biển tăng rất nhanh, trong lúc năng suất cũng như chất lượng hải sản ngày càng giảm, đời sống ngư dân rất khó khăn.
Năng suất giảm
Ông Trần Minh Đặng- ở khu vực 1, thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời, Cà Mau), cho biết: “Năm 1997, tôi chỉ có một chiếc tàu, trang bị máy 56CV. Hiện tôi và các con có 11 chiếc, trang bị máy từ 230CV đến 350CV, nhưng hiệu quả khai thác ngày càng thấp; bây giờ so với 10 năm trước, sản lượng khai thác giảm 60-70%”.
Cửa biển Sông Đốc là cảng cá lớn bậc nhất không chỉ của Cà Mau, mà cả vùng ĐBSCL, năm 2004 mới có 528 chiếc tàu khai thác biển công suất trên 20CV, nay có 1.280 chiếc và đặc biệt có hơn 800 chiếc công suất từ 90CV trở lên. Số lượng tàu và tổng công suất gấp nhiều lần, nhưng sản lượng khai thác lại chỉ tăng 61%. Còn cả tỉnh Cà Mau hiện có 4.791 chiếc tàu khai thác biển với tổng công suất gần 444.000CV. So với năm 1997, số lượng tàu tăng 50%, tổng công suất tăng 174%, trong lúc sản lượng đánh bắt chỉ tăng 23%. Tính ra, năng suất đánh bắt giảm nhiều lần.
Tỉnh Kiên Giang có số lượng tàu đánh bắt hải sản lớn nhất nước. Tính đến giữa năm 2012, toàn tỉnh có 12.240 chiếc, tổng công suất 1.615.680CV. Số lượng tàu đóng mới và mua mỗi năm tăng bình quân 300 chiếc với tổng công suất khoảng 40.000CV.
Ông Đặng Văn Ngữ- Chủ tịch Hội Nghề cá TP.Rạch Giá- cho biết: “Gia đình tôi có 10 cặp cào đôi, công suất bình quân 500CV mỗi cặp, chuyên đánh bắt xa bờ. Mấy năm nay đánh bắt trầy trật, phần thì ngư trường cạn kiệt, phần thì giá các mặt hàng tăng cao, sản phẩm đánh bắt giảm, đi biển không khéo là lỗ”.
Chất lượng giảm
Số lượng tàu với tổng công suất tăng nhanh nhưng lượng tàu công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ vẫn chiếm tỉ lệ lớn, đã làm cạn kiệt tài nguyên ven bờ. Theo Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, hiện nhóm tàu có công suất dưới 20CV vẫn chiếm xấp xỉ 50%. Nếu tính nhóm tàu có công suất dưới 90CV thì đã chiếm tới 84% số lượng.
Hải sản đánh bắt ở ĐBSCL chủ yếu là cá tạp.
Tàu công suất nhỏ đánh bắt ven bờ trong điều kiện tài nguyên đã cạn kiệt, hậu quả là chất lượng hải sản ngày càng thấp. Cũng theo Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản, tỉ lệ cá tạp trong các mẻ lưới chiếm 40 – 50% đối với nghề lưới kéo cá, 70 -80% đối với nghề lưới kéo tôm và 90 -95% đối với nghề te xiệp, đáy và đăng ven bờ.
Gia đình ông Nguyên Tấn Biểu- ở khu vực 2, thị trấn Sông Đốc, có đoàn tàu 16 chiếc với các nghề câu mực, trông đèn, lưới vây, cào khơi có thể bám biển dài ngày. Ông kể: “Hồi trước, cầm lái con tàu hơn 50CV đi một con trăng, có thể thu về 500kg mực khô. Còn bây giờ, cầm con tàu hơn 100CV đi suốt con trăng, câu được 150kg mực là mừng lắm rồi”.
Vụ Xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương tính ra, từ năm 2001 đến 2011, giá trị xuất khẩu thủy sản mỗi năm tăng bình quân 13,1%, nhưng “trên 80% là do tăng sản lượng tạo ra, chỉ 20% là do tăng giá”. Điều đó dẫn tới tăng chi phí, hàng hoá thuỷ sản giảm sức cạnh tranh trên thị trường.
Nghề cá lạc hậu
Ngư dân Dương Thế Dẫn ở phường Vĩnh Bảo (Rạch Giá, Kiên Giang) nói: “Nhà tôi có hai cặp cào đôi tổng công suất 1.800CV, mỗi chuyến ra khơi 30 ngày tốn 35 ngàn lít dầu, tính ra khoảng 700 triệu, chi phí nước đá, thực phẩm, tiền ứng trước cho ngư phủ thêm khoảng 300 triệu nữa. Với tình hình ngư trường cạn kiệt, giá cả thất thường như hiện nay, lơ mơ là mất tiền tỉ như chơi. Cho tàu nằm bờ cũng không được, vì không hoạt động đánh bắt thì lấy đâu tiền mà trả ngân hàng. Đóng một cặp cào đôi giờ cũng cả chục tỉ bạc”.
Trong khi đó, lao động khai thác biển lại lạc hậu. Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Cà Mau cho biết, trước năm 2010, số ngư phủ được đào tạo chưa tới 2%, làm ráo riết thì cũng mới nâng lên được 20%. Chi cục trưởng Võ Chí Sĩ nhận xét: “Ngư phủ trên tàu khai thác biển ở Cà Mau hơn 25.000 người, xuất thân từ nông dân, trình độ thấp nên đào tạo rất khó”.
Tính bình quân trong chục năm qua, mỗi năm cả nước tăng 4.000 chiếc tàu với 24.000 lao động khai thác biển, mà năng suất lẫn chất lượng hải sản đều giảm, đã dẫn tới cạnh tranh khai thác và đời sống ngư dân ngày càng khó khăn. Cuối cùng, nghề cá nước ta vẫn lạc hậu so với các nước trong khu vực.