(TSVN) – Việc phát triển thành công nuôi cá nước lạnh đã tạo thêm hướng đi mới cho nuôi trồng thủy sản nước ta, đồng thời khai thác tốt tiềm năng thủy vực nước lạnh, cải thiện đời sống của nhân dân và góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng tại các vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên giới.
Cục Thủy sản vừa có Thông báo kết luận của Cục trưởng Trần Đình Luân tại Hội nghị tổng kết 20 năm phát triển cá nước lạnh và giải pháp trong thời gian tới. Trong đó nhấn mạnh, sau 20 năm phát triển, cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi…) đã trở thành đối tượng nuôi quan trọng của các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Sản lượng cá nước lạnh tăng nhanh trong thời gian qua. Tăng trưởng sản xuất trong giai đoạn 2007 – 2023 trung bình 49,13%/năm, đưa Việt Nam vào nhóm 6 nước có sản lượng cá tầm lớn nhất thế giới.
Đến nay, 3 loài cá tầm (gồm: cá tầm Nga, cá tầm Siberi và cá tầm Sterlet) đã hoàn thiện được quy trình công nghệ sản xuất giống nhân tạo tại Việt Nam và đã được ứng dụng vào thực tế sản xuất. Khép kín quy trình sản xuất giống cá tầm đã tạo bước đột phá trong việc sản xuất cá tầm tại Việt Nam.
Mô hình nuôi cá tầm trên lòng hồ thủy điện Sơn La. Ảnh: Hồng Phúc
Tuy nhiên, việc nuôi cá nước lạnh ở nước ta hiện nay còn tồn tại một số khó khăn. Điển hình là việc phát triển cá nước lạnh còn mang tính tự phát, chưa tuân thủ theo quy hoạch, kế hoạch của địa phương. Hệ thống nuôi phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nước tự nhiên đặc biệt các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên, từ tháng 1 đến tháng 4 hàng năm là mùa khô, không đảm bảo nguồn nước cung cấp cho các cơ sở nuôi nên không nâng cao được năng suất.
Cùng đó, nước ta còn gặp khó khăn trong công tác kiểm soát chất lượng con giống, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Phần lớn các cơ sở phải nhập khẩu trứng cá thụ tinh về để ương nuôi thành cá giống làm cho giá thành sản phẩm tăng cao. Công nghệ nuôi chưa đáp ứng được đặc tính sinh học của cá nước lạnh nên tỷ lệ hao hụt cao. Ngoài ra, chính sách cho phát triển cá nước lạnh còn hạn chế.
Ngành thủy sản hiện đã có chiến lược nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng mặt nước, nguồn nước phát triển cá nước lạnh tạo sản phẩm có giá trị cao đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Kết luận tại hội nghị tổng kết mới đây, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, nhấn mạnh: Phát triển cá nước lạnh theo hướng công nghiệp dựa trên việc kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất giống đến nuôi thương phẩm, chế biến và tiêu thụ nhằm tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao sức cạnh tranh cho mặt hàng này. Ưu tiên đầu tư sản xuất ở những nơi có điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và cơ sở hạ tầng thuận lợi, từng bước mở rộng sản xuất ở các vùng có tiềm năng về nguồn nước lạnh khi có đủ điều kiện.
Đồng thời áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng để nâng cao tỷ lệ sống, đảm bảo sản xuất có hiệu quả, tiết kiệm nước, bảo vệ môi trường sinh thái và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đa dạng hóa mô hình sản xuất, trong đó doanh nghiệp làm nòng cốt, khuyến khích các hình thức liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và các hộ dân, gắn với thị trường tiêu thụ, minh bạch về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm.
Để sản xuất cá nước lạnh hiệu quả, bền vững, Cục Thủy sản đề nghị Cục Thú y hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh đối với nuôi cá nước lạnh; phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra việc nhập khẩu cá nước lạnh đảm bảo nguồn gốc, chất lượng.
Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I và III rà soát, hoàn thiện và đề xuất Cục Thủy sản xem xét ban hành quy trình công nghệ sản xuất giống, quy trình nuôi thương phẩm, phòng trị bệnh để đảm bảo chất lượng con giống và nâng cao tỷ lệ sống; Chuyển giao công nghệ sản xuất giống, nuôi thương phẩm, các biện pháp phòng trị dịch bệnh, xử lý ô nhiễm môi trường cho các cơ sở.
Ngoài ra, Cục Thủy sản cũng đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố nuôi cá nước lạnh tham mưu UBND tỉnh rà soát, bổ sung chi tiết việc phát triển cá nước lạnh vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng; Kiểm soát chặt chẽ chất lượng con giống và vật tư đầu vào; hướng dẫn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp nuôi cá nước lạnh. Đồng thời tham mưu xây dựng, phát triển thương hiệu cá nước lạnh gắn với các sản phẩm du lịch của địa phương nhằm quảng bá sản phẩm cá nước lạnh đến với gần hơn người tiêu dùng.
Các Hội, Hiệp hội và cơ sở sản xuất cá nước lạnh tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ để giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh; góp phần xây dựng, quảng bá thương hiệu cá nước lạnh và tham gia vào các sản phẩm du lịch ở địa phương; chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm cá nước lạnh; Kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất để cơ các quan quản lý kịp thời tháo gỡ nhằm hỗ trợ phát triển nghề nuôi cá nước lạnh hiệu quả, bền vững.
Phan Thảo