(TSVN) – Thời gian qua, mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng theo hai hình thức có giá thể và không giá thể trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được đánh giá đạt hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư.
Trang trại nuôi lươn không bùn của ông Nguyễn Duy Tân (ấp 3, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc) hiện có 180 hồ nuôi với khoảng 300.000 con lươn. Ông Tân nuôi lươn không bùn có giá thể bằng dây nylon theo hình thức nuôi “cuốn chiếu,” 3 tháng được xuất bán 1 lần. Trung bình mỗi lần xuất bán, ông thu hoạch khoảng 10 tấn lươn thương phẩm cung cấp cho các thị trường trong tỉnh và miền Trung, miền Bắc… Với giá bình quân khoảng 120.000 đồng/kg, trừ chi phí, ông lãi khoảng gần 800 triệu đồng/lứa. Trung bình 3 lứa nuôi, sau khi trừ chi phí, gia đình ông lãi gần 2,4 tỷ đồng. Ngoài nuôi và bán lươn thương phẩm, trang trại của ông đã bắt đầu sản xuất được lươn giống.
Nuôi lươn không bùn không cần diện tích lớn nhưng cho thu nhập khá cao. Ảnh: Phúc Hiếu
“So với một số vật nuôi khác, nuôi lươn không bùn có giá thể thuận lợi hơn, môi trường nuôi được kiểm soát, lươn ít bị bệnh và đạt năng suất cao, cho thu nhập ổn định. Song người dân vẫn rất cần thị trường ổn định để yên tâm sản xuất,” ông Tân nói.
Tương tự, ông Trương Quang Hùng (ấp Phước Lợi, xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ) gắn bó với mô hình nuôi lươn không bùn gần 4 năm nay. Theo ông Hùng, việc nuôi lươn không bùn giúp dễ quan sát quá trình sinh trưởng và đặc biệt khi triển khai mô hình này, lươn cũng ít bệnh hơn và đạt năng suất cao hơn.
Hiện gia đình ông Hùng có 100 bể nuôi lươn có giá thể bằng dây nylon theo hình thức nuôi cuốn chiếu; mỗi bể diện tích 6 m2 với khoảng 250.000 con lươn. Một tháng ông xuất khoảng 4 tấn lươn thương phẩm cung cấp cho các thương lái trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngoài ra, ông còn nhân giống, bình quân mỗi tháng cho ra thị trường khoảng 40.000 con lươn giống. Theo ông Hùng, nuôi lươn không bùn có độ hao hụt rất thấp, chỉ khoảng 2 – 4%. Nhưng để đạt được tỷ lệ này thì nguồn nước cần được đảm bảo độ sạch. Vì vậy, ngay từ lúc lấy nước vào bể, người nuôi phải xử lý qua các hệ thống lọc công nghiệp để đảm bảo nước trong bể luôn sạch sẽ.
“Mô hình nuôi lươn không bùn này rất có hiệu quả. Lươn phát triển đồng đều, màu da đẹp, sạch sẽ. Bình quân một tháng, thu nhập từ việc nuôi lươn và bán con giống của gia đình tôi là khoảng 200 triệu đồng” – ông Hùng nói.
Cũng nuôi lươn không bùn nhưng ông Trần Tấn Giang (ấp Phước Lợi, xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ) lại có bước đột phá khi áp dụng mô hình nuôi lươn không giá thể trong bể xi măng nhằm giảm chi phí nhân công, mức độ thay nước, hạn chế bệnh nguyên sinh động vật ký sinh trong môi trường.
Là người đầu tiên trong địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nuôi lươn trong bể xi măng mà không cần giá thể, hiện ông Giang có 50 bể lươn, diện tích mỗi bể 5 m2, trong đó có 30 bể nuôi thương phẩm và 20 bể ươm giống.
Nói về việc nuôi lươn không bùn, không giá thể, ông Giang cho biết nuôi lươn không giá thể sẽ giúp bể nuôi dễ vệ sinh, không phải xịt rửa giá thể nên tiết kiệm nước. Bên cạnh đó, việc nuôi không giá thể sẽ giúp người nuôi theo dõi hoạt động ăn thức ăn và kiểm soát hoàn toàn mầm bệnh trên con lươn, hạn chế động vật ký sinh trong môi trường, trên mang lươn. Nếu không may lươn bị trầy xước thì bệnh lở loét cũng khó xảy ra.
Ông Giang cho biết, với công nghệ chảy tràn, bể nuôi có mực nước thấp, thể tích nước ít, khi chảy tràn bể nuôi luôn trong sạch. Việc nước chảy tràn chỉ thực hiện vào ban đêm, điều chỉnh lượng nước vào ra liên tục trong 12 giờ, tương đương khoảng 200% nước trong bể nuôi, ban ngày thay nước 100% sau mỗi lần cho ăn.
Mỗi năm, ông thu hoạch khoảng 12 tấn lươn thịt, bán tại bể nuôi với giá khoảng 100.000 – 120.000 đồng/kg. Riêng lươn giống (500 con/kg), mỗi năm ông Giang cung ứng cho khách hàng trong tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và các địa phương như: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đồng Nai trung bình 600.000 con, với giá từ 3.500 – 4.000 đồng/con tùy thời điểm. Hiện mô hình này mang lại doanh thu cho gia đình ông gần 2 tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, ông còn tư vấn và chuyển giao kỹ thuật nuôi cho nhiều hộ dân.
Để mô hình nuôi lươn không bùn phát triển hiệu quả, người nuôi trên địa bàn cần liên kết thành tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi lươn để cùng nhau hỗ trợ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Anh Vũ
Theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bà Rịa - Vũng Tàu, để đáp ứng nhu cầu nuôi lươn không bùn của các hộ dân trên địa bàn, bên cạnh công tác tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi lươn cho bà con nông dân trong tỉnh, thời gian tới Trung tâm sẽ triển khai xây dựng mô hình trình diễn nuôi lươn không bùn, để người dân trực tiếp tham quan học hỏi phương pháp thiết kế, chuẩn bị bể nuôi và nắm bắt quy trình nuôi cụ thể nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao.