Khánh Hải (Cà Mau): Mô hình lúa – cá đồng – Những triển vọng mới

Chưa có đánh giá về bài viết

Cùng với thế mạnh về cây lúa, nuôi cá đồng, nhất là cá bổi, được nông dân xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau chọn làm mô hình phát triển kinh tế điển hình từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, với cách nuôi truyền thống, con cá bổi vẫn chưa phát huy thế mạnh để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ khi thực hiện chủ trương của Huyện ủy Trần Văn Thời về quy hoạch phát triển mô hình lúa – cá đã mở hướng cho người nông dân, đồng thời nâng cao vị thế của cá khô bổi trên thị trường.

Đưa khoa học – kỹ thuật vào sản xuất

Gần cả cuộc đời gắn bó với cây lúa, con cá, nhưng chỉ từ năm 2010, ông Nguyễn Văn Búp, thành viên Tổ hợp tác số 4, ấp Đường Ranh, mới biết cách ươm cá bổi giống, cách chăm sóc khi cá bệnh, số lượng thức ăn cho cá…

Ông Búp chia sẻ, chỉ dựa vào cách nuôi truyền thống nên những năm trước, nguồn thu của gia đình từ cá bổi không cao. Do chất lượng con giống kém cộng với lượng thức ăn thiên nhiên không đủ cung ứng nên số lượng cá nuôi ngày càng giảm. Năm đầu tiên nuôi thử nghiệm mô hình cá bổi bán công nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao, năm nay gia đình ông quyết định nuôi với diện tích 1 ha.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Tổ trưởng Tổ hợp tác số 4, ấp Đường Ranh, cho biết, đầu năm 2010 ấp được Trung tâm Dạy nghề huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh mở lớp tập huấn kiến thức nuôi cá bổi. Ngoài kiến thức được chuyển giao, 25 thành viên của tổ còn được cán bộ khuyến ngư hướng dẫn cách ươm cá giống, được hỗ trợ 1 cặp cá bố mẹ/thành viên. Qua 1 năm triển khai, đến nay các thành viên có thể tự tin thực hiện mô hình nuôi cá bổi theo hướng công nghiệp.

Ông Võ Văn Trí chia sẻ, từ khi thực hiện mô hình nuôi cá bổi theo hướng công nghiệp, hiệu quả kinh tế nâng lên đáng kể. Theo ông Trí tính toán, nếu nuôi cá bổi với phương pháp cũ xen canh cây lúa thì thời gian thu hoạch trên 1 năm, trong khi đó nuôi theo kiểu công nghiệp chỉ 5 – 6 tháng đã cho thu hoạch. Sau khi ươm giống, thả cá với mật độ 14 con/m2, sau 30 ngày ông bắt đầu cho ăn. Cách nhau 4 giờ cho ăn 1 lần bằng thức ăn tổng hợp. Hiện nay cá có trọng lượng 20 – 25 con/kg, ông dự tính, tháng 11 tới thu hoạch khoảng 9 – 10 con/kg.

Ông Trí phấn khởi, do nguồn giống tự ươm tại gia đình nên chỉ tốn tiền thức ăn. Trong thời gian nuôi chi phí thức ăn khoảng 40 triệu đồng, nhưng đến khi thu hoạch lợi nhuận phải cao gấp nhiều lần. Đây sẽ là tiền đề để năm 2012, gia đình ông mở rộng quy mô nuôi để có thể cung ứng nguồn cá cho thị trường.

 

Mở hướng cho cá bổi

Ông Võ Việt Anh, cán bộ thú y – thủy sản xã Khánh Hải cho biết, mô hình nuôi cá bổi bán công nghiệp, công nghiệp đang trở thành mô hình điểm của người dân ở địa phương. Bởi họ đã nhận thấy được hiệu quả kinh tế mà mô hình này mang lại. Nếu tính toán, 1 ha đất nuôi cá lợi nhuận cao gấp nhiều lần 1 ha sản xuất lúa. Trong khi đó, "Cá khô bổi U Minh" đang được xây dựng thương hiệu, vì thế sắp tới thị trường tiêu thụ cá bổi sẽ càng tăng. Do đó, việc mở rộng quy mô sản xuất là điều cần nhân rộng trong dân.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Khánh Hải Ngô Văn Hường cho biết, nếu như năm 2010 toàn xã chỉ có khoảng 30 hộ dân nuôi cá bổi theo hướng bán công nghiệp, công nghiệp thì đến nay đã có gần 100 hộ. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là việc tiếp cận nguồn vốn của người dân. Do thiếu vốn cải tạo đất, thức ăn nên phần nào hạn chế việc mở rộng quy mô sản xuất. Trong khi đó, ở góc độ địa phương cũng chỉ mới thực hiện được công tác vận động người dân thay đổi nhận thức, ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất. Việc người dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Búp phân trần, người dân rất cần nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật. Chỉ có ứng dụng cách làm khoa học mới có thể nâng cao năng suất. Bên cạnh đó, do nguồn vốn hạn chế nên vẫn còn số lớn hộ dân không có điều kiện cải tạo vườn tạp nuôi cá bổi theo hướng bán công nghiệp, công nghiệp.

Những năm gần đây, huyện Trần Văn Thời có ý thức trong việc khôi phục lại nguồn lợi cá đồng, trong đó huyện có chủ trương quy hoạch lại các vùng nuôi cá bổi. Tháng 9/2010, UBND tỉnh đồng ý giao cho UBND huyện Trần Văn Thời được phép quản lý và làm chủ sở hữu đối với nhãn hiệu tập thể "Cá khô bổi U Minh".

Từ đó, huyện cũng đã làm thủ tục đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ để được bảo hộ. Song song với công tác xây dựng thương hiệu khô cá bổi, việc quy hoạch phát triển vùng nuôi cũng được quan tâm đúng mức.

Bà con nông dân xã Khánh Hải nói riêng và nông dân huyện Trần Văn Thời nói chung đang phấn khởi với mô hình nuôi cá bổi. Rồi đây thương hiệu "Cá khô bổi Cà Mau" sẽ có chỗ đứng trên thị trường cả trong và ngoài nước.

Phương Lài

Theo Báo Cà Mau

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!