(TSVN) -Chi cục Thủy sản, Biển và Hải đảo tỉnh Khánh Hòa vừa có công văn gửi Phòng Nông nghiệp và Môi trường các địa phương ven biển trong tỉnh, cảnh báo tình trạng nắng nóng kéo dài và thời tiết giao mùa có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là các đối tượng nuôi chủ lực như tôm hùm lồng và tôm nước lợ.
Theo dự báo khí tượng, từ tháng 5 đến tháng 8, khu vực Trung Bộ – trong đó có Khánh Hòa – tiếp tục chịu ảnh hưởng của nắng nóng với cường độ tương đương trung bình nhiều năm. Tuy không vượt ngưỡng cực đoan, nhưng sự kéo dài của nắng gắt kết hợp với các đợt mưa dông bất chợt trong thời gian chuyển mùa có thể gây biến động môi trường nước, ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi, làm tăng nguy cơ dịch bệnh và thất thoát sản lượng.
Ảnh minh họa. Ảnh: BKH
Để giảm thiểu rủi ro, Chi cục Thủy sản, Biển và Hải đảo đề nghị các địa phương nhanh chóng thông tin, hướng dẫn người dân chủ động áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp với từng loại hình nuôi. Đối với nuôi tôm hùm lồng, khuyến cáo người nuôi nên giảm mật độ nuôi hợp lý; lựa chọn vị trí có độ sâu tối thiểu 4 m với lồng găm, 6 m với lồng chìm và 8 m với lồng nổi khi triều thấp; đồng thời che phủ lồng bằng lưới lan để hạn chế ánh nắng trực tiếp.
Việc vệ sinh lồng bè thường xuyên, bổ sung ôxy khi trời oi bức hoặc sau mưa lớn cũng cần được chú trọng. Người nuôi nên bổ sung dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng cho tôm và theo dõi sát tình trạng sức khỏe của vật nuôi cũng như môi trường xung quanh.
Trong nuôi tôm nước lợ, cần theo dõi liên tục các chỉ số nhiệt độ nước, màu tảo và chất lượng đáy ao. Tăng cường quạt nước vào ban đêm, nhất là từ 22 giờ đến 5 giờ sáng để cải thiện ôxy hòa tan. Thức ăn cần được điều chỉnh phù hợp: giảm khẩu phần từ 20 – 30% trong những ngày nắng gắt, ngừng cho ăn vào giữa trưa và chỉ cho ăn vào sáng sớm hoặc chiều mát. Ngoài ra, việc bổ sung vitamin, khoáng, men tiêu hóa và thảo dược vào khẩu phần ăn là rất cần thiết để tăng cường sức khỏe cho tôm. Người nuôi cũng cần lựa chọn mật độ thả giống phù hợp với điều kiện ao nuôi để dễ quản lý trong giai đoạn thời tiết khắc nghiệt.
Ngành chức năng nhấn mạnh, các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền rộng rãi để người nuôi nắm bắt diễn biến thời tiết, cập nhật các biện pháp kỹ thuật, đảm bảo sản xuất an toàn, hiệu quả và giảm thiểu rủi ro mùa vụ. Việc chủ động ứng phó, phối hợp giám sát môi trường và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh sẽ giúp người nuôi thủy sản tại Khánh Hòa cũng như toàn khu vực duy trì sản lượng ổn định trong mùa nắng nóng năm nay.
Tuệ Lâm