T2, 06/07/2020 09:50

Khánh Hòa: Điêu đứng vì đầm Thủy Triều ô nhiễm

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Ngư dân xã Cam Thành Bắc (Cam Lâm, Khánh Hòa) đang điêu đứng vì thủy sản nuôi trồng chết hàng loạt do ô nhiễm môi trường, thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng. Theo người dân, nước thải ô nhiễm từ Nhà máy Đường Khánh Hòa đặt tại địa bàn xã này là nguyên nhân chính gây nên tình trạng trên.

Thiệt hại hàng tỷ đồng – người dân bức xúc

Cuối tháng 4/2011, người dân xã Cam Thành Nam (Cam Lâm, Khánh Hòa) chết đứng khi toàn bộ thủy sản nuôi trồng như cá mú, tôm, rong sụn… chết hàng loạt. Nặng nhất là gia đình của ông Lê Văn Đồng, khu đìa có diện tích 5.000m2 của ông nằm trong đầm Thủy Triều, thuộc địa phận phường Cam Nghĩa, thành phố Cam Ranh như một bãi nghĩa địa khi hàng trăm con cá mú nặng từ 2-4 kg sắp đến kỳ thu hoạch chết trắng mặt đìa. Ông Đồng đắng cay đem “chôn” hàng trăm triệu đồng của mình. Gần 5 ngàn con cá mú, sau 12 tháng đã gần đến ngày xuất bán với giá từ 250 đến 300 ngàn đồng/kg. Thế nhưng, chỉ sau vài ngày cá chết hàng loạt, ông lâm vào cảnh tay trắng. Ông Lê Văn Đồng bức xúc: “Ba bốn ngày liên tiếp, tôi thấy nước màu đỏ nâu, mùi đường, lấy nước vô cá ngạt, yếu dần. Vài hôm sau cá chết hàng loạt không thể cứu vãn. Thiệt hại của gia đình lên đến 700 triệu”.

Ngoài ông Đồng, nhiều hộ dân khác cũng lâm vào tình trạng trắng tay, như hộ ông Đỗ Văn Lộc thiệt hại 300 triệu, hộ ông Nguyễn Thanh Tùng thiệt hại 70 triệu đồng, ông Đỗ Văn Sang gần 40 triệu đồng…

Bức xúc vì cá chết, ngày 23/4, người dân nuôi trồng thủy sản ở xã Cam Thành Bắc đã phát hiện Nhà máy Đường Khánh Hòa lén xả thải ra môi trường. Họ báo cho chính quyền xã đến lập biên bản và lấy mẫu nước đi xét nghiệm.

 

Ông Nguyễn Hồng Sơn không thể nuôi tôm vì môi trường bị ô nhiễm

Sáng tỏ nguyên nhân

Về việc trên, ông Nguyễn Trí Tuân, Phó chủ tịch UBND huyện Cam Lâm cho biết: Sau khi tiến hành kiểm tra tình trạng ô nhiễm đầm Thủy Triều với các ngành chức năng, kết quả ban đầu cho thấy các loại thủy sản nuôi trồng trong đầm bị chết không phải do bệnh mà do ô nhiễm môi trường.

UBND huyện Cam Lâm đã cho lấy 2 mẫu nước thải của Nhà máy Đường Khánh Hòa đi phân tích tại Viện Công nghệ sinh học và Môi trường thuộc Đại học Nha Trang. Kết quả cho thấy, nước thải của nhà máy này có 3/5 chỉ tiêu môi trường bị vi phạm bao gồm: Độ ô nhiễm hóa chất hóa học COD, loại A giới hạn là 50mg/lít nhưng kết quả xét nghiệm 2 mẫu này là 210mg/lít và 125mg/lít, gấp 2-4 lần quy định cho phép; ô nhiễm sinh học BOD, loại A giới hạn là 30mg/lít, nhưng thực tế 2 mẫu xét nghiệm là 144mg/lít và 88mg/lít, gấp 2-3 lần quy định cho phép; Coliforms có 1 mẫu không đạt.

Một kết quả phân tích khác của Viện Pasteur Nha Trang đối với mẫu nước thải tại cống thoát nước của Nhà máy Đường Khánh Hòa do ông Lê Văn Đồng ở thôn Tân Quý, xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm gửi, cho thấy: Mẫu nước không đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp (QCVN 24:2009/TBNMT) với hàm lượng COD là 488mg/lít vượt hơn gấp 9 lần so với quy định cho phép, BOD là 85mg/lít vượt gần 3 lần so với quy định cho phép.

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III sau khi phân tích mẫu nước thải của Nhà máy này do người dân gửi lên cũng nhận xét: Nước thải đang bị ô nhiễm nặng chất dinh dưỡng hữu cơ, các thông số phân tích đều vượt ngưỡng cho phép trong nuôi trồng thủy sản và không thuận lợi cho sức khỏe của đối tượng nuôi.

Kết quả xét nghiệm nguồn nước đã rõ ràng, tuy nhiên, “vai trò” của Nhà máy Đường Khánh Hòa trong vụ ô nhiễm này vẫn phải chờ kết luận của Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh dựa trên điều tra của Cảnh sát Môi trường. Tuy nhiên, đến thời điểm này, ông Đỗ Thành Liêm, Tổng giám đốc Công ty CP Đường Khánh Hòa vẫn cho rằng: Nguyên nhân gây ra bụi do gió chướng, không ai kiểm soát được. Nhà máy cũng đã bồi dưỡng cho người dân tiền vệ sinh nhà cửa, hiện Nhà máy đang dùng lưới che chắn bụi… Còn hệ thống xử lý nước thải thì Nhà máy đã làm tốt, đầu tư công nghệ xử lý từ năm 2000, thiết bị được nhập từ Bỉ. Vừa rồi, Sở TN&MT tỉnh đã kiểm tra công tác xử lý chất thải Nhà máy, kết quả tốt, hiện đang hoàn thành văn bản kiểm tra! Theo ông Liêm, Nhà máy đã thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường, còn cá chết tại vịnh Cam Ranh, là do nắng nóng, mưa bất thường?!

 

Chính quyền vào cuộc

Ông Nguyễn Trí Tuân cho biết: Nếu xác định chính xác Nhà máy Đường Khánh Hòa gây ô nhiễm làm chết thủy sản hàng loạt, UBND huyện Cam Lâm sẽ kiến nghị tỉnh xử nghiêm để tránh ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Những thiệt hại của người dân, Nhà máy phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Nếu tiếp tục vi phạm, huyện sẽ kiến nghị tỉnh đóng cửa Nhà máy, có phương án di dời ra khỏi khu vực này, tránh ảnh hưởng đến đầm Thủy Triều và đề án du lịch về lâu dài.

UBND tỉnh Khánh Hòa cũng giao cho Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Cảnh sát Môi trường và đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra hoạt động, hiện trạng vệ sinh, môi trường tại Nhà máy Đường Khánh Hòa đóng tại huyện Cam Lâm và khu vực, có biện pháp xử lý, khắc phục, chấm dứt tình trạng gây ô nhiễm môi trường và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các vi phạm nếu có.


>> Đưa chai “nước thối” hứng được từ khí xả thải của nhà máy đường Khánh Hòa thấm vào mái tôn nhà, Ông Nguyễn Hồng Sơn, thôn Tân Quý, xã Cam Thành Bắc ở ngay sát tường Nhà máy Đường Khánh Hòa bức xúc: “Hàng năm đến vụ đường là chúng tôi nghỉ nuôi thủy sản. Anh xem, nước thải của Nhà máy làm mục hết mái tôn, chảy xuống đen sì, hôi thối… thì thủy sản làm sao mà sống được. Ngư dân chúng tôi sớm hôm với con tôm, con cá giờ đìa tôm bỏ hoang thì lấy gì mà sống…”.

 

 

Đoàn Kiên Thành

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!