Hiện nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 10.000 phương tiện đánh bắt thủy sản, trong đó có trên 800 phương tiện thường xuyên hoạt động đánh bắt hải sản ở các vùng biển xa. Để giúp ngư dân yên tâm bám biển, các cơ quan chức năng đã và đang triển khai nhiều biện pháp…
Nỗi lo của ngư dân khi đi khai thác xa bờ
Ngư đội Trường Sa Lớn gồm 5 chiếc tàu do ông Mai Thành Phúc (thôn Thành Đạt, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) làm Ngư đội trưởng, chuyên khai thác cá ngừ đại dương ở vùng biển 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, mỗi lần đến ngư trường, đoàn tàu của ông luôn nằm trong sự thấp thỏm, lo âu mỗi khi phát hiện tàu lạ, cộng với nỗi lo bị các lực lượng bảo vệ biển nước ngoài xua đuổi, bắt giữ, phạt tiền, thu tài sản.
Ông Văn Thanh Trà, trú phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang đầu tư được 3 phương tiện hơn 350CV, đều đi đánh bắt xa bờ. Không đủ sức cầm lái, ông nghỉ biển đã hơn 8 năm nay và giao lại cho các con nối nghiệp. Mỗi lần tàu rời bến, ông luôn lo âu, chỉ biết cầu cho trời yên biển lặng và không gặp bất trắc. Quá lo lắng, ông phải đầu tư một bộ máy Icom gần chục triệu đồng, ngày hai buổi lên sóng liên lạc để nghe tin. Ông chia sẻ: “Hơn 10 năm đánh bắt trên vùng biển Nam Trường Sa và Tây Trường Sa gần khu vực gành nhà giàn của Việt Nam, nhưng hiện tại một tàu cá của tôi bị nước ngoài bắt giữ mà không biết lý do tại sao”.
Tuyên truyền khu vực đánh bắt hải sản cho chủ phương tiện đang hoạt động trên biển
Ngoài nỗi lo khi ra khơi bị các lực lượng bảo vệ biển nước ngoài bắt giữ, những ngư dân khai thác xa bờ còn lo về chi phí cho mỗi chuyến đi bởi ngày càng tăng, trong khi đó sản lượng đánh bắt không ổn định, giá cả biến động thất thường. Chi phí tăng, sản lượng đánh bắt không ổn định nên nhiều chủ tàu cá không còn thiết tha với những chuyến đi xa, với nghề truyền thống của cha ông.
Giúp dân yên tâm bám biển
Để giúp người dân yên tâm bám biển, thời gian qua, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Khánh Hòa đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền cho ngư dân chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về vấn đề chủ quyền biên giới, vùng biển đảo; đồng thời trang bị kiến thức, biện pháp xử lý, đối phó với các tình huống nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ.
Đại tá Lê Như Hải – Chính ủy BĐBP tỉnh cho biết: “Thời gian tới, BĐBP tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức nhiều buổi tuyên truyền cho ngư dân biết những vùng biển hiện nay có thể tranh chấp, mã số tổng đài để họ thông tin liên lạc, tổ chức các nghiệp đoàn, các tổ đánh bắt xa bờ và nếu bị uy hiếp thì xử lý thế nào, nhằm giúp họ có ý thức bảo vệ chủ quyền, tự tôn dân tộc, không mắc mưu khiêu khích, hoặc sợ hãi trước các hành động của các thế lực nước ngoài, dù trong tình huống nào cũng đoàn kết, kiên quyết bám biển, bám ngư trường để đánh bắt, kịp thời bằng các biện pháp liên lạc thông báo cho lực lượng chức năng nắm và có biện pháp phối hợp xử lý”.
Để thực hiện tốt việc này, ngoài việc nắm chắc quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chủ quyền lãnh thổ, vùng biển, đảo, các hiệp ước, hiệp định mà Việt Nam tham gia ký kết và là thành viên, các quy định của luật pháp các nước láng giềng có chung bờ biển, mỗi người dân, nhất là ngư dân khi đánh bắt trên biển phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật Việt Nam, không xâm phạm các vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản. Bên cạnh đó, các cấp, ngành, lực lượng chức năng cần có những biện pháp, cách thức để giúp ngư dân yên tâm bám biển, làm sao cho mỗi chuyến ra khơi của họ là một chuyến đi bình an, mang về đầy tôm cá trên ngư trường mà cha ông họ đã bao đời giữ gìn.
Một trong những mô hình đã mang lại ý nghĩa thiết thực và hiệu quả tốt cần phát huy, đó là việc thành lập các Ngư đội câu cá ngừ đại dương. Được thành lập từ năm 2011, hiện nay, toàn tỉnh có 6 ngư đội, mỗi ngư đội gồm 5 tàu (tổng cộng 30 tàu) có công suất từ 290 đến 500CV. Với mục đích liên kết các tàu câu cá ngừ đại đương thành một liên đội thống nhất, cùng khai thác trên một ngư trường, thường xuyên liên lạc, cung cấp thông tin về luồng cá để phối hợp khai thác một cách hiệu quả nhất, hỗ trợ nhau khi gặp tai nạn, rủi ro hay các hoạt động xua đuổi, bắt phạt của các lực lượng nước ngoài. Từ khi có ngư đội, các ngư dân khi đánh bắt trên vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa yên tâm bám biển dài ngày hơn và ý thức đoàn kết, đồng lòng bảo vệ chủ quyền biển, đảo cũng được nâng lên. Đó là một dấu hiệu tốt cho hoạt động khai thác trên các vùng biển xa bờ, cần được nghiên cứu nhân rộng.
Dù đã thành lập được các ngư đội, song trang bị và các phương tiện phục vụ cho các hoạt động vẫn chưa đáp ứng được với mục tiêu đề ra. Các chủ tàu kiến nghị cần trang bị cho mỗi tàu 4 – 5 chiếc pháo hiệu để khi gặp thiên tai, tai nạn họ có thể sử dụng để liên lạc và nhờ ứng cứu kịp thời; tủ thuốc y tế để sơ cấp cứu khi cần thiết… Những kiến nghị này rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các ngành, các cấp.
>> Theo thống kê của BĐBP tỉnh, năm 2012 và 4 tháng đầu năm 2013, Khánh Hòa đã xảy ra 7 vụ/7 phương tiện/78 lao động bị các lực lượng nước ngoài bắt giữ và rất nhiều vụ xua đuổi, đe dọa khi ngư dân ta đang đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa đã gây những bức xúc và tạo ra tâm lý hoang mang cho ngư dân. |