Khánh Hòa có trên 10.000 phương tiện đánh bắt thủy sản và thủy nội địa, trong đó có trên 800 phương tiện có công suất từ 90CV trở lên thường xuyên hoạt động đánh bắt hải sản ở các vùng biển xa. Và mỗi chuyến ra khơi, nhất là những tàu tham gia đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa ngày càng chất chồng thêm nhiều nỗi lo và sức ép, bởi thường xuyên bị các lực lượng bảo vệ biển nước ngoài xua đuổi, bắt giữ, phạt tiền, thu tài sản.
Tâm lý hoang mang
Theo thống kê của lực lượng BĐBP Khánh Hòa, năm 2012 và 4 tháng đầu năm 2013, trên vùng biển Khánh Hòa đã xảy ra 7 vụ/7 phương tiện/78 lao động bị các lực lượng nước ngoài bắt giữ và rất nhiều vụ xua đuổi, đe dọa khi ngư dân ta đang đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Lý giải cho việc này có nhiều nguyên nhân, trong đó có một phần do ngư dân ta vi phạm vùng biển và ngư trường của nước bạn, do ý thức chấp hành quy định pháp luật chưa nghiêm, song đó không phải là lý do quan trọng và chủ yếu. Điều đáng nói ở đây là, những ngư dân của ta, đánh bắt trên ngư trường, vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam vẫn bị các lực lượng bảo vệ biển nước ngoài xua đuổi, bắt phạt như chính họ đang thực thi pháp luật của nước họ trên vùng biển Việt Nam.
Ngư đội Trường Sa lớn gồm 5 chiếc do ông Mai Thành Phúc, 58 tuổi, trú tại thôn Thành Đạt, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang làm Ngư đội trưởng, chuyên khai thác cá ngừ đại dương ở vùng biển hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông Phúc bức xúc: Các quần đảo trên là của mình, nhưng họ vẫn vô gần, chúng tôi vô sát thì nó bắn, không phải bắn thẳng vào tàu mình mà chỉ bắn dọa, trường hợp này xảy ra rất nhiều trong ngư đội tui. Ông Nguyễn Tấn Lầu, chủ phương tiện KH 96778 TS, hành nghề cảng khơi, đã ngoài 50 tuổi, hơn 30 năm gắn bó với sông nước, không ít lần gặp hiểm nguy khi phát hiện các tàu lạ xâm phạm vùng biển Việt Nam, nhưng ông vẫn không từ bỏ nghề biển, vì với ông, nghề biển là nghề truyền thống của gia đình.
BĐBP tuyên truyền về khu vực đánh bắt hải sản cho chủ phương tiện đang hoạt động trên biển.
Ngoài nỗi lo khi ra khơi bị các lực lượng bảo vệ biển nước ngoài bắt giữ, những ngư dân khai thác xa bờ còn lo về chi phí cho mỗi chuyến đi ngày càng tăng. Trong khi đó, sản lượng cá đánh bắt không ổn định, giá cả biến động thất thường, có những lúc giá 1kg cá ngừ đại dương các doanh nghiệp thu mua để chế biến xuất khẩu không bằng 1kg cá vụn bán ngoài chợ.
Theo ông Mai Thành Phúc, khi 18 tuổi, ông đã theo cha đi khắp các vùng biển khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tên mỗi hòn đảo ông nhớ và thuộc như tên những người thân của mình. Gia đình ông hiện có 2 chiếc tàu, mỗi chiếc 295CV, ông giao cho con trai và con rể quản lý. Để đảm bảo cho mỗi chuyến ra khơi an toàn, ngoài việc các phương tiện máy bộ đàm, định vị, tầm ngư, trang bị phao cứu sinh, cứu hộ, gánh nặng chi phí dầu, nhu yếu phẩm cho 9 đến 10 thuyền viên bám biển dài ngày càng ngày càng nặng khi giá cả thực phẩm, hàng hóa tăng cao, đẩy toàn bộ chi phí cho mỗi chuyến đi tăng lên nhiều… Chi phí thì tăng, sản lượng đánh bắt không ổn định, nhất là sự biến động giá cả thời gian gần đây làm cho ngư dân lo lắng, bất an. Nhiều chủ tàu cá không còn thiết tha với những chuyến đi xa.
Ông Trần Văn Em, 47 tuổi, trú tại đường Nguyễn Sơn, Hòn Rớ, Nha Trang, thành viên của Ngư đội Trường Sa Lớn cho biết: Mỗi chuyến ra khơi thường từ 18 đến 20 ngày, với chi phí từ 125 đến 130 triệu đồng. Từ đầu năm 2013 đến nay, giá cả rớt một cách thảm hại, có lúc thấp, chỉ trên dưới 40.000đồng/kg làm cho ngư dân rất bức xúc. Từ Tết Nguyên đán đến giờ ghe của ông đã đi được 2 chuyến, chuyến trước lỗ 40 triệu, chuyến sau lỗ 30 triệu. Cứ tình hình này, ông cho biết sẽ cho ghe ở nhà nằm nghỉ, không dám đi biển nữa.
Giúp dân yên tâm bám biển
Thời gian qua, BĐBP Khánh Hòa đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền cho ngư dân hiểu rõ về chủ trương, đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề chủ quyền biên giới, vùng biển đảo, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Để giúp ngư dân nắm vững kiến thức, biện pháp xử lý, đối phó với các tình huống, vừa qua, BĐBP Khánh Hòa đã tổ chức buổi quán triệt Chỉ thị 689/CT-TTg, ngày 18-5-2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ cho 200 chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá có công suất từ 90CV trở lên đang khai thác tại vùng biển xa bờ và chủ tịch phụ nữ của 46 xã, phường, thị trấn ven biển.
Tại buổi quán triệt, nhiều ngư dân cũng nói lên tâm trạng bức xúc của mình mỗi khi phải chứng kiến cảnh các tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển nước ta, bắt, xua đuổi tàu thuyền và ngư dân ta. Điều đó cũng là câu hỏi để các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng suy nghĩ, tiếp tục làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, giúp ngư dân yên tâm bám biển. Đại tá Lê Như Hải, Chính ủy BĐBP tỉnh cho biết: “Thời gian tới, BĐBP tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức nhiều buổi tuyên truyền cho ngư dân biết những vùng biển xảy ra tranh chấp, mã số tổng đài để họ có thông tin liên lạc, tổ chức các nghiệp đoàn, các tổ đánh bắt xa bờ và nếu bị uy hiếp thì có biện pháp xử lý”.
Một trong những mô hình được bà con ngư dân Khánh Hòa áp dụng đem lại hiệu quả tốt, cần tiếp tục phát huy, đó là việc thành lập các Ngư đội câu cá ngừ đại dương. Được ra đời năm 2011, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với Hội Nghề cá, Hiệp hội câu cá ngừ đại dương và các chủ tàu câu cá ngừ đại dương tỉnh Khánh Hòa liên kết thành lập. Hiện tại, toàn tỉnh Khánh Hòa có 6 ngư đội, mỗi ngư đội gồm 5 tàu (tổng cộng 30 tàu) có công suất từ 290 đến 500CV. Với mục đích liên kết các tàu câu cá ngừ đại đương thành một liên đội thống nhất, cùng khai thác trên một ngư trường, thường xuyên liên lạc, cung cấp thông tin về luồng cá để phối hợp khai thác một cách hiệu quả nhất, giúp đỡ, hỗ trợ nhau khi gặp tai nạn, rủi ro hay các hoạt động xua đuổi, bắt phạt của các lực lượng nước ngoài. Từ khi có ngư đội, các ngư dân khi đánh bắt trên vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa yên tâm hơn, bám biển dài ngày hơn và ý thức đoàn kết, đồng lòng bảo vệ chủ quyền biển, đảo cũng được nâng lên. Đó là một tín hiệu tốt lành cho hoạt động khai thác trên các vùng biển xa bờ, cần được nghiên cứu nhân rộng.
Tuy nhiên, sau khi thành lập các ngư đội, việc bảo đảm trang bị và các phương tiện phục vụ cho các hoạt động trên biển đến nay vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra. Các chủ tàu kiến nghị, cần trang bị cho mỗi tàu 4 -5 chiếc pháo hiệu để khi gặp thiên tai, tai nạn, họ có thể sử dụng để liên lạc và phối hợp ứng cứu kịp thời; trang bị tủ thuốc y tế để sơ cấp cứu khi cần thiết… và những kiến nghị này rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các ngành, các cấp.