Khánh Hòa: Thí điểm 440 ha vùng nuôi biển công nghệ cao xa bờ 3 – 6 hải lý

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngày 7/3/2025, tại TP. Nha Trang, UBND Tỉnh Khánh Hòa và Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) công bố triển khai Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa.

Theo đề án, trong thời gian thí điểm đến năm 2029 sẽ hướng đến vùng biển trong 2 phạm vi là 3 hải lý và từ 3 – 6 hải lý. Trên vùng biển đến 3 hải lý, diện tích thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao đạt 240 ha, sản lượng đạt hơn 3.600 tấn. Trên vùng biển từ 3 đến 6 hải lý, diện tích thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao đạt 200 ha, sản lượng đạt hơn 5.100 tấn.

Đề án đề ra 6 nhiệm vụ: Phát triển giống phục vụ nuôi biển công nghệ cao; phát triển công nghệ nuôi thương phẩm; quan trắc môi trường, chủ động phòng chống dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu; dịch vụ hậu cần nuôi biển; bảo quản và tiêu thụ sản phẩm; chuyển đổi công nghệ nuôi biển đến 3 hải lý.

Mô hình nuôi lồng bè công nghệ cao ở TP. Cam Ranh (Khánh Hòa). Ảnh: ST

Ngoài ra, đề án cũng đề ra các chính sách hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, giải pháp về khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường, giải pháp về nguồn nhân lực…

Đề án được thực hiện với sự tài trợ và phối hợp thực hiện, giới thiệu công nghệ đến ngư dân của Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup). Trước đó, từ tháng 5 năm 2023, mô hình nuôi biển công nghệ cao đã được triển khai thực tế với 10 hộ dân tham gia nuôi tôm hùm, cá biển bằng lồng nuôi HDPE, có hệ thống camera giám sát dưới nước, hệ thống định vị trên vùng biển hở xã Cam Lập (TP Cam Ranh). 

Tháng 6 năm 2024, tổng kết mô hình, cho thấy, các hộ tham gia thu hoạch đạt lợi nhuận cao hơn so với việc nuôi bằng lồng bè gỗ truyền thống. Theo đó, tỷ suất lợi nhuận của hộ nuôi cá bớp đạt 172% so với hộ nuôi cùng quy mô bằng lồng bè gỗ truyền thống, của hộ nuôi tôm hùm đạt 112%, của hộ nuôi cá mú đạt 131,4%. Đáng chú ý, công nghệ nuôi mới còn bảo vệ môi trường nuôi, giảm thiểu rủi ro do thiên tai, làm đẹp cảnh quan, có thể kết hợp phát triển du lịch sinh thái…

Ông Đinh Văn Thiệu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, để khuyến khích doanh nghiệp, người dân chuyển đổi sang nuôi biển công nghệ cao, địa phương xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nuôi biển như: chuyển đổi lồng bè sang vật liệu mới, các kinh phí bảo hiểm, xây dựng các chính sách liên quan đến vốn tín dụng ưu đãi…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nhận định, thực hiện thành công Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao sẽ đưa Khánh Hòa trở thành hình mẫu để các địa phương ven biển trong cả nước cùng phát triển ngành công nghiệp nuôi biển, đưa ngành này thực sự trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế thủy sản nói riêng, kinh tế biển nói chung. 

Để triển khai hiệu quả đề án, Thứ trưởng đề nghị tỉnh cần nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách để thu hút doanh nghiệp, khuyến khích người dân đầu tư vào nuôi biển công nghệ cao; quan tâm đến việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trong ngành này. Cùng với đó là chú trọng nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ về cả công nghệ nuôi, giống, thú y thủy sản, thức ăn dinh dưỡng để từ đó tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả nghề nuôi.

Trong tổ chức sản xuất, cần phải hình thành được hệ sinh thái nuôi biển công nghệ cao, trong đó doanh nghiệp là trung tâm, liên kết với các hợp tác xã, hộ nuôi. Địa phương cũng cần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nuôi biển công nghệ cao; quan tâm đầu tư hạ tầng nuôi biển; chú trọng hợp tác quốc tế để phát triển nuôi biển bền vững.

Thùy Khánh

(Tổng hợp)

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Khánh Hòa, sản lượng thủy sản nuôi của tỉnh tăng từ 16.000 tấn (năm 2020) đến nay 22.500 tấn. Việc ứng dụng công nghệ nuôi biển công nghệ cao đã được nhiều đơn vị áp dụng tại tỉnh. Trong đó có Trung tâm nuôi biển công nghệ cao thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1, Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Quỹ Thiện Tâm... với hàng trăm lồng nuôi vật liệu mới, sản lượng đạt hàng trăm tấn cá, tôm mỗi năm.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!