(TSVN) – Tỉnh Khánh Hòa vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao, thực hiện đến hết năm 2029 với tổng sản lượng hơn 8.700 tấn.
Đề án hướng đến mục tiêu góp phần tăng năng suất, giá trị ngành nuôi trồng thủy sản và nâng cao thu nhập của người dân nuôi biển và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan thông qua việc giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế – xã hội, xuất khẩu thủy sản với tiêu chuẩn cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; Bảo vệ môi trường biển, hướng tới phát triển kinh tế biển bền vững, từng bước hình thành vùng nuôi biển từ 3 đến 6 hải lý, vừa đảm bảo phát triển kinh tế biển, vừa giảm áp lực nuôi biển ven bờ. Cùng đó, bảo đảm giảm thiểu xung đột về không gian phát triển giữa các ngành kinh tế tại các khu vực nuôi biển.
Tỉnh Khánh Hòa sẽ thực hiện thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao đến hết năm 2029 với tổng diện tích 440 ha. Ảnh: ST
Trong đó, vùng biển đến 3 hải lý, diện tích thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao đạt 240 ha, sản lượng đạt hơn 3.600 tấn; Vùng biển từ 3 đến 6 hải lý, diện tích thí điểm đạt 200 ha, sản lượng hơn 5.100 tấn.
Theo nội dung Đề án, tỉnh Khánh Hòa sẽ căn cứ hiện trạng, điều kiện tự nhiên, khí hậu, thủy văn, môi trường các vùng biển trên địa bàn tỉnh, kết hợp kỹ thuật nuôi biển công nghệ cao để tiến hành lựa chọn các khu vực nuôi biển ở vùng biển đến 3 hải lý và một số khu vực nuôi biển tiềm năng ở vùng biển từ 3 hải lý đến 6 hải lý tại Khánh Hòa cho phù hợp.
Đối tượng nuôi được xác định dựa trên khả năng chủ động cung cấp con giống, thích hợp với thức ăn công nghiệp, thích nghi với môi trường, loại lồng nuôi, tốc độ tăng trưởng nhanh, kháng được các bệnh thông thường, thị trường tiêu thụ (có giá trị kinh tế) và kinh nghiệm thực tiễn nuôi trồng thủy sản trên biển, lựa chọn một số đối tượng nuôi có tiềm năng phát triển như: Cá chẽm (Lates calcarifer); cá chim vây vàng (Trachinotus spp), cá bớp/cá giò (Rachycentron canadum), cá chim vây vàng (Trachinotus spp), cá mú lai (Epinephelus lanceolatus X Epinephelus), cá bè đưng (Gnathanodon speciosus), cá bè vẩu (Caranx ignobilis), cá hồng mỹ (Sciaenops ocellatus); tôm hùm xanh (Panulirus homarus), tôm hùm bông (Panulirus omatus); hàu Thái Bình Dương (Crassostrea gigas), rong biển… Ngoài ra, có thể áp dụng phương thức nuôi đa loài tích hợp (IMTA) gồm các loài như cá, giáp xác, nhuyễn thể, rong biển.
Về công nghệ, đối với vùng biển 3 hải lý, áp dụng tổ hợp công nghệ lồng nuôi bằng vật liệu mới (HDPE, FRP…) có thể di chuyển được; lồng bán chìm linh động, nhiều tầng, phao nổi, kết hợp các công nghệ bổ trợ như: công nghệ cho ăn tự động, giám sát các yếu tố môi trường tự động (đo đạc, quan trắc các yếu tố môi trường cơ bản có liên quan trực tiếp đến vật nuôi), công nghệ năng lượng mặt trời, camera giám sát hoạt động sống của vật nuôi (trong phạm vi lồng nuôi và vùng nước lân cận nhỏ hơn 10 m).
Đối với nuôi biển từ 3 đến 6 hải lý, sử dụng lồng nuôi bằng vật liệu mới với dạng lồng tròn nổi, kết hợp với các công nghệ hiện đại khác như: Công nghệ cho ăn tự động; Công nghệ “Clean Harvest” tích hợp công nghệ thu hoạch và sơ chế cá trực tiếp trên biển, tạo ra sản phẩm “cá sạch”, bảo quản ở nhiệt độ 4°C và đưa vào nhà máy chế biến; Công nghệ giám sát môi trường tự động quản lý trang trại nuôi biển cho phép quản lý các trang trại, lồng nuôi biển (đo đạc, quan trắc các yếu tố môi trường cơ bản có liên quan trực tiếp đến thủy sản nuôi); Công nghệ năng lượng sạch, năng lượng tái tạo: Chủ động năng lượng cho nuôi biển từ 3 đến 6 hải lý bằng việc sử dụng điện gió, điện mặt trời hoặc năng lượng tái tạo khác và các giải pháp kết hợp khác.
Bảo Hân