Khánh Hòa: Tiềm năng nguồn lợi rong biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Vùng biển Khánh Hòa có tính đa dạng sinh học cao, trong đó có nhiều loài sinh vật biển có giá trị, đặc biệt là các loại rong biển làm nguyên liệu để sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Giá trị lớn

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Đăng Nghĩa – Viện Công nghệ sinh học và Môi trường, Trường Đại học Nha Trang, vùng biển Nam Trung Bộ nói chung, Khánh Hòa nói riêng thuận lợi để rong biển phát triển vì có nhiều bờ đá và có dải biến thiên nhiệt độ nhỏ. Các nghiên cứu gần đây phát hiện cả nước có 827 loài rong. Trong số đó, 85 loài có giá trị kinh tế như: Rong mơ (43 loài), rong câu (13 loài), rong đông (10 loài)…; vùng biển Nam Trung bộ chiếm 75% số này.

Khai thác rong biển tại Khánh Hòa. 

Rong biển được ứng dụng nhiều trong công nghiệp thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, kỹ thuật cố định tế bào, nuôi cấy tế bào, sinh học phân tử, phóng xạ… Rong có chứa nhiều vitamin, protein, nguyên tố đa và vi lượng, chất chống ôxy hóa… tốt cho sức khỏe; có tác dụng chống vi rút, ngăn ngừa ung thư, giảm béo phì, điều trị bệnh tiểu đường, điều hòa đường ruột…

Theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, thời gian qua, thông qua một số nhiệm vụ bảo tồn, khai thác một số loài rong biển có giá trị, tỉnh đã nghiên cứu, tách chiết và thu nhận một số hợp chất có hoạt tính chống ôxy hóa từ rong nâu, một số sản phẩm thực phẩm có giá trị từ rong mứt và rong xanh. Ngoài ra, các kết quả nghiên cứu bước đầu của Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang đã thu nhận một số chủng vi nấm phân lập từ vùng biển Khánh Hòa cho thấy các chủng này có thể sinh tổng hợp các hoạt chất sinh học có giá trị như kháng sinh, kháng ung thư, bảo vệ tế bào thần kinh… Đáng chú ý là hải miên vịnh Nha Trang, rong nâu ở vịnh Vân Phong có chứa chất ngăn ngừa ung thư và ngăn chặn sự tổn thương của tế bào thần kinh.

 

Mở ra hướng phát triển

Tuy tiềm năng về hoạt chất sinh học biển quý hiếm chiết xuất từ sinh vật biển rất lớn nhưng việc khai thác, thu nhận cũng như chế biến thành những sản phẩm có giá trị thương mại hóa còn hạn chế. Tiến sĩ Nguyễn Thế Hân – Trường Đại học Nha Trang cho rằng, Nhà nước cần xây dựng chương trình phát triển công nghệ sinh học bài bản, điều tra cụ thể tài nguyên sinh vật, sự phát triển giống loài làm cơ sở khai thác, chế biến sản phẩm có giá trị từ rong biển; nghiên cứu, đánh giá đầy đủ về hoạt chất sinh học để có nghiên cứu chuyên sâu. Từ đó, kết luận nhóm loài tiềm năng để tập trung đầu tư công nghệ khai thác, chế biến đem lợi ích cho đất nước. Còn Tiến sĩ Ngô Đăng Nghĩa đề nghị xây dựng các trung tâm công nghệ sinh học tiên tiến về chọn giống, nuôi cấy, lai tạo, trồng rong; phát triển thực phẩm bổ dưỡng từ rong biển; chế tạo sản phẩm y dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; liên kết quốc tế xây dựng các dự án phát triển rong biển…

Ông Huỳnh Kỳ Hạnh – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, hiện nay, tại Khánh Hòa, những nghiên cứu, chiết xuất các hoạt chất sinh học biển từ sinh vật biển chỉ mới dừng ở khâu nghiên cứu, bảo tồn; về nguồn vi nấm chưa có nghiên cứu, phân tích đầy đủ về trình tự gen và nhóm gen sinh tổng hợp các chất có giá trị y dược. Giai đoạn 2021 – 2025, các nhiệm vụ của đề án khung bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh vẫn tập trung cho công tác bảo tồn, lưu giữ, định hướng khai thác, phát triển những loài rong biển có giá trị; tiếp tục khảo sát, đánh giá, đề xuất bảo tồn, nghiên cứu ứng dụng nguồn gen vi nấm biển có giá trị… Tỉnh sẽ nghiên cứu và đề xuất với Trung ương các giải pháp để khai thác, phát triển các hoạt chất sinh học từ sinh vật biển một cách hiệu quả.

V.L

Nguồn: Báo Khánh Hòa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!