Hiện nay, trên địa bàn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), tôm hùm và tôm thẻ chân trắng bị rớt giá thê thảm. Không chỉ vậy, người nuôi trồng thủy sản còn thiệt kép bởi giá thức ăn cho tôm cũng tăng cao.
Bà Nguyễn Thị Ngay (thôn Khải Lương, xã Vạn Thạnh) cho hay, gia đình có 600 lồng nuôi hơn 150.000 con tôm hùm bông và tôm xanh. Hiện nay, giá bán tôm rớt xuống chỉ còn 1,2 triệu đồng đến 1,6 triệu đồng/kg, trong khi cách đây 3 tháng giá dao động từ 1,8 triệu đồng đến 2,9 triệu đồng/kg. “Vừa rồi, tôi bán khoảng 4 tấn tôm với giá cao nhất là 1,8 triệu đồng/kg, nhưng với giá này nếu xuất bán hết vẫn lỗ khoảng 20 tỷ đồng. Trong khi đó, tiền thức ăn cho tôm ngày càng tăng, đã tăng gấp 3 lần so với trước dịch. Trước đây, cua dùng làm mồi cho tôm ăn chỉ khoảng 22.000 đồng/kg giờ tăng lên hơn 60.000 đồng/kg; ốc, cá làm mồi cũng từ 8.000 đồng/kg tăng lên hơn 20.000 đồng/kg. Một ngày, tôm ăn khoảng 3 tấn mồi, mà hiện nay mồi cũng rất khan hiếm do thực hiện giãn cách xã hội nên người dân không đi biển”, bà Ngay buồn bã nói.
Tôm rớt giá khiến người nuôi thủy sản tại Vạn Ninh gặp khó.
Không chỉ tôm hùm mà tôm thẻ chân trắng cũng chung cảnh rớt giá thê thảm. Tại xã Vạn Thọ, nơi được biết đến là thủ phủ tôm thẻ, người dân như ngồi trên đống lửa khi tôm liên tục rớt giá. Ông Lê Quang Duy (thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ) cho biết, gia đình vừa xuất bán toàn bộ số tôm thẻ trên diện tích 3 ha, với giá bán từ 75.000 đồng đến 78.000 đồng/kg, lỗ tầm 1,5 tỷ đồng. Thời điểm ổn định, giá tôm này phải từ 90.000 đồng đến hơn 100 nghìn đồng/kg. Không chỉ rớt giá, năm nay thời tiết khá nắng nóng nên tôm bị bệnh nhiều, chủ yếu là bệnh phân trắng, khiến người nuôi cũng lao đao.
Ông Trần Quang Khánh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Thọ cho hay, toàn xã có khoảng 67 ha nuôi trồng thủy hải sản, chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng. Năm nay do dịch bệnh, nhiều hộ không có vốn để tái sản xuất nên toàn xã chỉ nuôi được khoảng 50 ha. Hiện nay, giá tôm xuống thấp, trong khi thức ăn cho tôm lại tăng cao nên người nuôi trồng thủy sản gặp rất nhiều khó khăn. Hiện thương lái không thu mua, nhiều hộ nuôi không xuất bán được, ai cũng nóng ruột!.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sở dĩ giá tôm xuống thấp là do hàng hóa không thể xuất bán đi nước ngoài, sức tiêu thụ chậm. Trong khi đó, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội nên rất khó khăn trong việc vận chuyển. Nhiều chủ hàng đã thu mua của người dân, sau khi chuyển đi thì bị trả về, họ lại phải nhờ người nuôi hộ, nhưng do hàng đi trong nhiều ngày, quay đầu thì tôm đã yếu và chỉ vài ngày là chết rất nhiều. Trong khi đó, thức ăn cho tôm cũng tăng cao bởi các tỉnh, thành không vận chuyển về được; cả vùng nuôi phải chờ mồi của một số người bán trong khu vực vịnh Vân Phong. Cũng vì hàng khan hiếm nên giá tăng cao, thậm chí người nuôi phải tranh giành nhau để có mồi cho tôm ăn hàng ngày.
Ông Lê Hồng Minh – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vạn Ninh cho hay, dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến việc nuôi trồng cũng như tiêu thụ thủy hải sản của nông dân. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, người dân phải cố gắng thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch, khắc phục khó khăn để chờ ổn định tình hình.
>> Ông Phạm Ngọc Luyện - Phó Trưởng phòng kinh tế huyện Vạn Ninh: Vụ nuôi này, toàn huyện có khoảng 34.800 lồng nuôi tôm hùm, trong đó có khoảng 6.000 lồng đang tới thời điểm xuất bán, sản lượng khoảng 210 tấn. Cùng với đó, trên địa bàn huyện cũng có khoảng 300 ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng, trong đó có khoảng 200 ha đang thu hoạch.
Thành Nam
Nguồn: Báo Khánh Hòa