(TSVN) – Nuôi tôm lãi sẽ mang về tiền tỷ, nhưng chỉ cần có biến động xảy ra thì người nuôi sẽ mất trắng. Họ là người có được lợi nhuận ít nhất và sau cùng, nhưng lại là mắt xích thiệt hại đầu tiên và lớn nhất.
Trong nhiều tháng liền, giá tôm thương phẩm giảm rất mạnh, liên tục chạm đáy, người nuôi tôm thua lỗ rất nhiều, thậm chí hòa đã được coi là may mắn lớn. Thời điểm giữa năm, tại các huyện Đông Hải, Hòa Bình, thị xã Giá Rai và TP Bạc Liêu của tỉnh Bạc Liêu, giá tôm nguyên liệu liên tiếp lao dốc, giá TTCT giảm trung bình từ 20.000 – 50.000 đồng/kg so thời điểm tháng 2/2023. Với mức giá đó, nhiều hộ nuôi tôm không có lãi, thậm chí lỗ nặng.
Giá tôm ở mức thấp trong thời gian dài khiến nhiều người nuôi thua lỗ. Ảnh: PTC
Mặc dù giá giảm nhưng nhiều địa phương vẫn khuyến cáo người dân nên duy trì thả nuôi, bởi họ hy vọng và tin tưởng sắp tới giá sẽ phục hồi sớm. Vì quy trình một vụ tôm phải mất thời gian từ 4 – 5 tháng, đến thời điểm đó nếu không có tôm bán sẽ lỡ thời cơ.
Thế nhưng, chỉ người trong cuộc mới tràn đầy bất an. Ông Nguyễn Văn Lập, người đã có gần 20 năm nuôi tôm công nghiệp ở xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, chia sẻ rằng “chưa bao giờ thấy nghề nuôi tôm lao đao như hiện tại”.
Trả lời báo chí, đại diện VASEP, cho biết suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng khiến sức mua giảm. Người tiêu dùng ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới phải “thắt lưng buộc bụng”, lựa những thực phẩm giá rẻ để cân đối chi tiêu. Nhu cầu giảm, trong khi nguồn cung trên thế giới tăng, đặc biệt là Ecuador và Ấn Độ, nên hoạt động xuất khẩu tôm của nước ta bị ảnh hưởng.
Và chính điều này đã kéo giá tôm thương phẩm trong nước xuống mức chạm đáy như thời gian qua. Bởi hệ lụy là để cạnh tranh ký kết hợp đồng xuất khẩu với đối tác trên thị trường thế giới, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản phải giảm giá thu mua nguyên liệu đầu vào, trong đó, có mặt hàng tôm dẫn đến giá tôm nguyên liệu giảm sâu.
Khó từ thị trường, khó từ xuất khẩu đã dồn hết cái khó về với người nuôi tôm. Thực tế nhiều năm cho thấy, người nuôi tôm Việt Nam dường như chưa bao giờ được đối xử bình đẳng, họ cũng không có quyền được mặc cả giá bán chứ chưa nói đến quyết định.
Trong một bài viết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, nhấn mạnh: Các mắt xích hình thành chuỗi giá trị con tôm có phần đang đùn đẩy trách nhiệm. Nhà chế biến nói do tỷ lệ nuôi thành công thấp khiến giá thành tôm nuôi cao, đội giá nên khó tiêu thụ. Mắt xích khác cho rằng nhà chế biến ép giá mua đối với người nuôi. Người nuôi nói nhà cung ứng tôm giống không sạch bệnh khiến tôm nuôi bị thiệt hại. Một “mớ bòng bong” rất khó tháo gỡ.
Nhà quản lý, doanh nghiệp động viên, khuyến khích người dân duy trì sản xuất, nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, thế nhưng, lại không cho người nuôi tôm “bệ đỡ”. Tính chung, từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn cho tôm đã có 13 lần điều chỉnh giá, mức điều chỉnh chỉ có tăng mà không giảm. Người nuôi lên tiếng rất nhiều, nhưng có lẽ “càng kêu giá càng tăng”. Khi giá tôm xuống dốc, doanh nghiệp “không thể” mua giá cao, người thua lỗ cũng là họ.
Mới đây, một gói cứu trợ 15.000 tỷ đồng được phê duyệt để hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất trong lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Thế nhưng, điều kiện để nhận được vốn vay ưu đãi này không đơn giản, nhất là khi cơ sở đảm bảo vay vốn của người nuôi không thỏa đáng. Hơn nữa, họ còn phải chịu một “lãi suất” khác với các đại lý thức ăn cho tôm khi mua trước trả sau. Chẳng hạn là việc nếu người nuôi tôm thanh toán khi kết thúc vụ nuôi thì giá thức ăn cao hơn từ 5.000 – 7.000 đồng/kg so với trả trực tiếp…
Tại một hội nghị về thủy sản mới đây, nhiều đại biểu cho rằng: Để thúc đẩy xuất khẩu tôm trong năm 2023, cần có biện pháp quản lý, bình ổn giá cả vật tư đầu vào phục vụ nuôi tôm, tránh tình trạng tăng giá liên tục như hiện nay. Đồng thời, quản lý tốt giá tôm nguyên liệu, tránh để tình trạng tôm rớt giá ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Bên cạnh đó, cần ban hành cơ chế chính sách, nhất là về vốn hỗ trợ, hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu trong nước phục vụ cho sản xuất thức ăn nuôi tôm, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Lý thuyết là thế, ai cũng biết, nhưng việc thực hiện dường như rất khó, lời giải cho vấn đề hiện vẫn còn bỏ ngỏ!
Bảo Hân