Khoảng trống từ những lồng cá chết trên sông Mã

Chưa có đánh giá về bài viết

Gần 200 lồng cá nuôi trên sông Mã đoạn qua huyện Bá Thước chết bất thường trong những ngày qua là sự mất mát lớn đối với người nuôi. Nhưng những con cá chết ấy đã không vô ích, chí ít nó đã “lật mặt” được hành vi gian dối, bất lương xả thải tùy tiện ra môi trường, đe dọa đến môi sinh của các loài thủy canh trên sông Mã.

Không phải bây giờ việc xả chất thải công nghiệp chưa qua xử lý ra môi trường mới xảy ra, mà chính là càng ngày chúng ta càng nhận ra rõ hơn sự bất chấp.

Việc tùy tiện xả thải ra môi trường từng gây bất an dư luận, làm “nóng” nhiều nghị trường. Dù đã có những cơ quan đứng ra nhận trách nhiệm, nhưng việc khắc phục là rất chậm. Vùng thượng nguồn sông Mã là địa bàn có nhiều cơ sở chế biến luồng, bột giấy, vàng mã, ván ép… mức độ rủi ro cho môi sinh đã được cảnh báo là rất cao. Khi doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất thì áp lực về chất thải càng trở nên lớn hơn. Thay cho việc đầu tư dây chuyền xử lý chất thải tốn kém, nhiều doanh nghiệp đã nghĩ đến việc xả thải tùy tiện ra sông, suối. Nếu trót lọt thì lợi nhuận rất cao, còn nếu bị phát hiện thì mức phạt cũng không thể bằng số kinh phí bỏ ra mua sắm hệ thống xử lý chất thải.

Bởi tính toán thực dụng ấy đã đưa nhiều chủ doanh nghiệp đến lựa chọn cực đoan là sẵn sàng xả thải ra môi trường bất chấp hậu quả đến đâu. Hành vi ấy chỉ có thể dừng lại hoặc hạn chế nếu như cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát. Cùng với kiểm tra qua báo cáo của doanh nghiệp, phải tăng cường kiểm tra thực tế cả bên trong và bên ngoài cơ sở sản xuất, thì dù có muốn doanh nghiệp cũng khó để tùy tiện làm liều. Những đường ống xả thải không phải là cái kim, con kiến, tinh vi đến mấy cũng khó để mà che mắt được.

Sau vụ cá chết hàng loạt trên sông Mã, đến nay ít nhất đã có ba cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản trên địa bàn huyện Bá Thước thừa nhận hành vi xả thải chưa qua xử lý ra sông Mã sau khi cơ quan chức năng và chính quyền đến tận nơi kiểm tra. Đây được cho là một trong những nguyên nhân làm cá trên sông Mã chết hàng loạt.

Qua vụ việc này, một câu hỏi đặt ra là nếu như không có việc cá chết, không có sự chỉ đạo quyết liệt từ cơ quan cấp trên, thì liệu hành vi xả thải ra sông Mã có bị phát giác hay không? Không chỉ ảnh hưởng đến môi trường nuôi trồng thủy sản, mà còn là tính mạng con người. Rất nhiều người dân ở hạ lưu đang dựa vào nguồn nước sông Mã để sinh sống mỗi ngày, họ sẽ ra sao?

Chúng ta đã đề ra quyết tâm bằng mọi giá không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế. Chính quyền, cơ quan chức năng nghĩ đến điều đó, nhưng nhiều doanh nghiệp thì chưa hẳn. Họ phải hướng đến lợi ích của bản thân trước khi nghĩ đến lợi ích cộng đồng. Trách nhiệm của chính quyền sở tại, của cơ quan chức năng là bên cạnh tuyên truyền để doanh nghiệp hợp tác, phải tăng cường thực thi các chế định để giữ nghiêm pháp luật về môi trường. Một khi pháp luật nghiêm minh, việc kiểm tra nghiêm túc, thì doanh nghiệp có tinh vi đến mấy cũng khó để che giấu hành vi.

Sau sự cố cá chết hàng loạt trên sông Mã đã lộ ra một khoảng trống liên quan đến pháp chế về môi trường. Khoảng trống ấy cần phải “vá” lại một cách kịp thời để môi trường không còn làm “nóng” các nghị trường thêm nữa.

Lam Vũ

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!