THỨ TƯ, ngày 22/1/2025

Không còn “sân chơi” cho hộ nuôi nhỏ?

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhiều chuyên gia cho rằng, các hộ nuôi cá tra quy mô nhỏ đang dần mất đi lợi thế cạnh tranh khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu chủ động đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu… Theo đó, để giữ “sân chơi” cho mình, các hộ nuôi nhỏ cần phải có hướng đi phù hợp.

Doanh nghiệp “lấn sân”

Nếu như trước đây, trong thời “hoàng kim” của nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu, vai trò của các bên trong chuỗi ngành hàng cá tra được phân định rõ (nông dân nuôi cá, doanh nghiệp đảm nhận khâu chế biến và tìm thị thường xuất khẩu) thì những năm gần đây, khi ngành hàng cá tra “xuống dốc”, xu hướng hình thành dây chuyền sản xuất khép kín của doanh nghiệp ngày càng tăng nhanh, dần loại bỏ nông dân ra khỏi “cuộc chơi”.

Hiện ngày càng có nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào – Ảnh: Ngọc Trinh

Báo cáo của Bộ NN&PTNT: “Trong năm 2011, ghi nhận sự chuyển biến mạnh mẽ của các doanh nghiệp chế biến, hầu hết đã xây dựng được vùng nguyên liệu riêng, có doanh nghiệp tự chủ nguyên liệu được 60 – 70% công suất chế biến”. Đến giữa năm 2013, vẫn báo cáo của Bộ NN&PTNT, “hiện nay doanh nghiệp có vùng nuôi riêng ước tính khoảng 60% tổng diện tích nuôi của toàn vùng ĐBSCL, chủ yếu do một số doanh nghiệp có tiềm lực tăng cường đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu (bằng cách thuê lại ao của nông dân hoặc đầu tư xây dựng vùng nuôi riêng) và tận dụng lợi thế mua vật tư đầu vào như thức ăn, thuốc được chiết khấu 8 – 10%”.

Thực tế tại Đồng Tháp (tỉnh có diện tích nuôi cá tra lớn nhất nước), theo Hiệp hội Thủy sản tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có 1.939 ha; trong đó vùng nuôi của 41 doanh nghiệp chiếm hơn 66%, các hộ nuôi liên kết với doanh nghiệp theo hình thức sản xuất gia công chiếm 11%, chỉ còn 23% diện tích là của các hộ nuôi cá độc lập. Hiệp hội nhận định: Thời gian tới, xu hướng vùng nuôi của doanh nghiệp chế biến tiếp tục tăng và đang dần được hoàn thiện, hình thành dây chuyền khép kín từ khâu sản xuất thức ăn, giống, nuôi thương phẩm đến chế biến xuất khẩu và chế biến phụ phẩm (bột cá, mỡ cá, collagen…) nhằm đem lại lợi nhuận tối ưu. Trong khi đó, vùng nuôi hộ cá thể dần thu hẹp và diện tích “treo ao” của hộ dân ngày càng tăng.

Tương tự, tại An Giang, Hiệp hội Thủy sản tỉnh cho biết: Năm 2013, tổng diện tích nuôi cá tra của tỉnh 1.296 ha, trong đó diện tích cá tra chuyển sang đối tượng khác 9,45 ha, “treo ao” 85,15 ha, hộ nuôi liên kết với doanh nghiệp 44,82 ha, nuôi gia công với doanh nghiệp 3,85 ha.

>>  Ông Trần Anh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang: “Cần có giải pháp làm sao để giảm diện tích nuôi cá tra của doanh nghiệp xuống bằng đòn bẩy ngân hàng”.

Ông Trần Anh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang cho biết, những năm gần đây diện tích nuôi cá tra của nông dân giảm mạnh, nhiều nông dân nuôi cá tra đã rời “sân chơi” này do khó khăn chồng chất. Tính đến hết tháng 2/2014, diện tích nuôi cá tra toàn tỉnh đạt khoảng 830 ha, trong đó trên 600 ha là vùng nuôi của 24 doanh nghiệp, chiếm hơn 70% diện tích nuôi cá tra toàn tỉnh.

“Có thể nói, từ năm 2008 đến nay, chỉ còn chỗ cho những hộ nuôi cá tra quy mô lớn có tiềm lực kinh tế, còn những hộ nuôi nhỏ lẻ đã gãy rụng gần hết”, ông Dũng cho biết thêm.

 

Nông dân luôn bị ép

Theo ông Nguyễn Văn Út, một nông dân nuôi cá tra ở An Giang: “Thời gian qua, người nuôi cá gặp rất nhiều khó khăn khi doanh nghiệp ký kết hợp đồng trả tiền mua cá sau 1 tháng nhưng thường là sau 3 – 5 tháng, thậm chí lâu hơn”.

“Tôi đã bán cá cho một doanh nghiệp từ trước Tết đến giờ nhưng hiện mới nhận được hơn 50% và chưa biết đến bao giờ mới được thanh toán nốt phần còn lại”, ông Út nói thêm.

Tình cảnh như ông Út khá phổ biến trong người nuôi cá tra ĐBSCL. Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi cá Châu Phú (An Giang) Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, có người nuôi cá bị doanh nghiệp nợ đã 3 năm “mà không biết làm sao đòi”. Ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc Hợp tác xã Thới An (Ô Môn, Cần Thơ) cho biết thêm, hợp đồng bán cá cho doanh nghiệp thường cam kết trả tiền sau 30 ngày nhưng hầu hết kéo dài nhiều tháng, có khi cả năm. Cũng vì vậy, người nuôi cá tra càng nuôi càng lỗ. Ông Hải nói: “Nông dân bán cá tra cho doanh nghiệp chỉ nhận được tờ giấy hợp đồng, doanh nghiệp trả tiền trễ hẹn nhiều tháng hoặc kéo dài hàng năm, giá trị nhiều tỷ đồng, nông dân phải nộp lãi hằng tháng cho ngân hàng. Việc xảy ra hơn chục năm nay nhưng chẳng ai làm được gì”.

Lý giải vì sao giữa doanh nghiệp và người nuôi đã ký kết hợp đồng nhưng không có hiệu lực, ông Trần Anh Dũng cho hay, hiện nay doanh nghiệp không ký hợp đồng đầu vụ với người dân mà chỉ ký hợp đồng nguyên tắc mang tính tham khảo giai đoạn đầu, đến khi mua cá của nông dân, doanh nghiệp mới ký hợp đồng với giá cụ thể. Tuy nhiên, hợp đồng này thường được ký rất mơ hồ, chẳng hạn như, thời hạn thanh toán tiền bán cá của doanh nghiệp cho người nuôi là sau 30 ngày kể từ ngày bán. Trên thực tế thì 3 tháng cũng là sau 30 ngày mà 3 năm cũng là sau 30 ngày, điều này khiến cho khi có tranh chấp xảy ra thì hợp đồng không có tính pháp lý và thường gây bất lợi cho người dân.

Các hộ nuôi cá tra quy mô nhỏ đang dần mất đi lợi thế cạnh tranh – Ảnh: Bảo Yến

“Các trọng tài của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã từng vào cuộc để giải quyết vấn đề này nhưng đều thất bại, vì doanh nghiệp có lý của họ. Thực tế, doanh nghiệp không muốn ký hợp đồng bao tiêu cá với với nông dân từ đầu vụ mà chỉ muốn mua cá trôi nổi”, ông Dũng nói.

Theo Hiệp hội Thủy sản các tỉnh, dù biết hợp đồng mua bán do doanh nghiệp tự soạn thảo có điều khoản bất lợi nhưng nông dân vẫn chấp nhận ký, bởi họ luôn có tâm lý “miễn sao bán được cá”. “Bà con luôn ở thế bị động cần bán cá, nếu đòi hỏi làm hợp đồng đúng theo luật thì chẳng doanh nghiệp nào mua” – ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến Thủy sản An Giang phân tích.

 

Thua thiệt đủ đường

Tại hội thảo “Xây dựng nhận thức về sản xuất cá tra bền vững tại ĐBSCL” diễn ra ngày 19/3/2014 tại TP Cần Thơ, do Hội Nghề cá Việt Nam cùng Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) phối hợp tổ chức, nhiều đại biểu hỏi: “Tại sao người dân không liên kết nuôi hoặc nuôi gia công với doanh nghiệp để chia sẻ lợi nhuận cũng như rủi ro?”

Trả lời băn khoăn này, ông Dũng cho hay, doanh nghiệp và nông dân đã hợp tác với nhau qua hai hình thức. Thứ nhất là doanh nghiệp giao nguyên liệu, nhận thành phẩm. Doanh nghiệp đầu tư cho nông dân vốn với mức 3.300 – 5.000 đồng/kg cá thành phẩm (tùy doanh nghiệp). Số tiền này người dân tự mua con giống, thuốc thú y, thức ăn, thuê nhân công và chịu chi phí khác. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ cung cấp cho người nuôi lượng thức ăn thủy sản (khoảng 1,6 kg thức ăn/kg cá). Thứ hai là doanh nghiệp chọn người nuôi có năng lực nhưng thiếu vốn ở giai đoạn cuối để hợp tác. Theo đó, người nuôi phải lo từ con giống, ao nuôi đến khi cá đạt trọng lượng 0,5 kg/con trở lên thì được doanh nghiệp tiếp sức bằng cách đầu tư thức ăn, mua cá sẽ theo giá thị trường. Do thiếu vốn ở giai đoạn đầu nên hiện nay đa số người nuôi chọn hình thức hợp tác thứ nhất, dù lợi nhuận ít hơn. Tuy nhiên, theo ông Dũng, hình thức nào nông dân cũng bị động, chịu nhiều rủi ro.

Qua trao đổi với người nuôi gia công, cũng thấy họ khổ trăm bề, lợi nhuận thu được chỉ bằng 1/10 – 1/15 lợi nhuận của các nhà máy, doanh nghiệp thuê nuôi gia công thu được (chưa kể doanh nghiệp hưởng lợi từ việc sử dụng nguyên liệu này chế biến và mang đi xuất khẩu). “Tại không có vốn nên tui mới nuôi gia công cho nhà máy, chứ có vốn dại gì nuôi gia công” – ông Trần Văn Tân, một nông dân nuôi cá tra ở huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp nói.

 

Để giữ “sân chơi”

Càng nhiều doanh nghiệp mạnh tay đầu tư vào vùng nguyên liệu nghĩa là các hộ nuôi nhỏ lẻ càng gặp khó khăn. Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho biết, hiện tỉ lệ tự túc nguyên liệu đầu vào cho sản xuất của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra đạt hơn 70% và xu hướng ngày càng tăng. Ngược lại, số lượng hộ nuôi nhỏ lẻ đang giảm mạnh.

>>  Ông Ngô Tiến Chương, Điều phối viên Chương trình Nuôi trồng Thủy sản của WWF-Việt Nam: “Chứng nhận ASC theo nhóm phù hợp với điều kiện các hộ nuôi cá tra quy mô nhỏ đang được lấy ý kiến trước khi được công bố trong tháng 9/2014. WWF-Việt Nam sẽ kết nối với nhà nhập khẩu hỗ trợ người nuôi cá tra quy mô nhỏ 50% chi phí chứng nhận bền vững để hộ nuôi đáp ứng các tiêu chuẩn”.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Tiến Chương, Điều phối viên Chương trình Nuôi trồng Thủy sản của WWF-Việt Nam, không phải bất kỳ doanh nghiệp nào cũng đủ nguồn lực để đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu. Hiện nay, hầu như chỉ có những doanh nghiệp lớn mới chủ động được nguồn nguyên liệu, còn những doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn phải tự xoay xở theo nhiều nguồn khác nhau (như: mua trong dân, mua lại của nhà máy có vùng nuôi lớn…). Theo đó, các hộ nuôi quy mô nhỏ hoàn toàn có thể trụ lại với nghề và phát triển bền vững trong thời gian tới nếu biết liên kết sản xuất lại với nhau theo mô hình hợp tác xã hoặc tổ hợp tác. Điều này sẽ tạo ra nguồn cung cá tra nguyên liệu đủ lớn giúp người nuôi kiểm soát được giá bán tốt hơn.

Đồng quan điểm, ông Thái An Lai, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Đồng Tháp cho biết: “Để tự cứu mình, các hộ nuôi nhỏ nên tham gia các tổ hợp tác, liên kết lại để hình thành vùng nuôi mạnh. Điều này không những giúp hộ nuôi nhỏ có khả năng quyết định giá bán, tránh tình trạng giá cá lên xuống thất thường…, mà còn dễ dàng hơn trong việc tiếp cận chứng nhận ASC, hướng tới phát triển sản xuất bền vững”.

“Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp đang thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành hàng cá tra, trong đó triển khai thí điểm thành lập 3 hợp tác xã gồm những hộ nuôi cá tra nhỏ ở huyện Châu Thành gắn với các doanh nghiệp chưa có vùng nguyên liệu riêng. Mô hình sản xuất này còn có thể giúp nông dân nuôi cá mua vật tư đầu vào (thức ăn, con giống, thuốc thú y…) với giá rẻ, thực hiện các tiêu chuẩn sản xuất an toàn thuận lợi hơn, có nguồn nguyên liệu lớn dễ đàm phán giá cá với doanh nghiệp và dễ tiếp xúc với nguồn vốn ngân hàng”, ông Lai cho biết thêm.

>>  Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám: “ĐBSCL được thiên nhiên ưu đãi nuôi cá tra. Phải để cho nông dân ĐBSCL được hưởng nguồn lợi này. Hiện, một số doanh nghiệp có ý thâu tóm vùng nuôi là không nên, Hiệp hội Cá tra Việt Nam cần có hướng chấn chỉnh”.

Hồng Thắm

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!