Chiều 17/9, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương đã họp khẩn để chỉ đạo ứng phó với cơn bão số 8 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải.
Theo hướng di chuyển của bão, dự kiến bão số 8 có khả năng đổ bộ vào đất liền nước ta đêm 18, rạng sáng 19/9. Khu vực nguy hiểm của cơn bão số 8 được xác định là khu vực phía Nam vĩ tuyến 18 và Bắc vĩ tuyến 14. Khu vực đất liền, các tỉnh khả năng bị ảnh hưởng là từ Nghệ An đến Quảng Ngãi; trên biển, vùng nguy hiểm sẽ là từ Quảng Bình đến Phú Yên. Với dự báo cơn bão số 8 sẽ gây mưa to và lượng mưa ở khu vực miền Trung có thể lên đến 300mm, vì vậy đối với khu vực đất liền, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần đặc biệt chú ý đến khu vực dân cư có nguy cơ cao bị sạt lở, lũ quét để có phương án phòng, tránh thiệt hại về người và tài sản.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu, cần tổ chức neo đậu tàu thuyền, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi bão đổ bộ; chằng chống các lồng bè nuôi trồng thủy sản và tổ chức sơ tán người vào đất liền, tuyệt đối không để người trên lồng bè, các chòi canh nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, Bộ Quốc phòng cũng đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng kiểm đếm, thông báo diễn biến của áp thấp nhiệt đới cho tàu thuyền hoạt động trên biển để chủ động di chuyển tránh, trú.
Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên các sông tư Nghệ An đến Bình Định và khu vực Tây Nguyên có khả năng ở mức báo động 1 – báo động 2, có nơi trên báo động 2. Riêng các sông ở Quảng Bình, Quảng Ngãi có khả năng ở mức báo động 2 – báo động 3; các sông ở khu vực Nam Tây Nguyên ở mức báo động 1; các sông khác ở Trung bộ có dao động nhỏ.
Theo báo cáo của cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCLB – Tìm kiếm cứu nạn Bộ đội Biên phòng, tính đến 14 giờ ngày 17/9, Biên phòng các tỉnh phối hợp với các địa phương, thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 38.611 tàu, thuyền, lồng bè với tổng số 186.252 người biết diễn biến của bão số 8 để chủ động phòng tránh. Tuy nhiên, hiện còn 11 tàu đang ở khu vực vùng biển Hoàng Sa vẫn chưa vào bờ. Sáng 17/9, văn phòng Ban chỉ đạo PCLB Trung ương đã có công văn gửi Cục lãnh sự – Bộ Ngoại giao, đề nghị có Công hàm gửi Đại sứ quán các nước trong khu vực, đề nghị tạo điều kiện, giúp đỡ, hỗ trợ ngư dân tránh trú bão.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Tây khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10, biển động rất mạnh. Vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Bình – Bình Định từ gần sáng và ngày 18/9, gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10, biển động rất mạnh. Khu vực các tỉnh Nghệ An đến Khánh Hòa và Bắc Tây Nguyên có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to.
Theo bản tin mới nhất của Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, vào lúc 13 giờ ngày 17/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,0 độ vĩ Bắc; 112,0 độ kinh Đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74km một giờ), giật cấp 9, cấp 10. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5 – 10km.
>> Đến 13 giờ ngày 18/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,9 độ vĩ Bắc; 110,1 độ kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị – Quảng Nam khoảng 170km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74km một giờ), giật cấp 9, cấp 10. Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km, như vậy khoảng sáng ngày 19-9 bão sẽ đi vào khu vực Quảng Nam – Quảng Ngãi. Đến 13 giờ ngày 19/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,7 độ vĩ Bắc; 108,2 độ kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Quảng Nam – Quảng Ngãi – Kon Tum. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10. |