Khủng hoảng tôm nuôi – SOS!

Chưa có đánh giá về bài viết

Dịch bệnh tràn lan, tôm chết hàng loạt, chi phí đầu vào tăng mạnh, người nuôi và doanh nghiệp cạn vốn…, ngành tôm đang tiến thoái lưỡng nan. Các cơ quan nhà nước liên quan nhìn nhận lại vai trò của mình và có những hỗ trợ cụ thể, thiết thực.

Khó chồng khó

Chỉ trong 6 tháng đầu năm, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hai hội nghị bàn chuyện cứu tôm, đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tôm. Đích thân Bộ trưởng đã đi thị sát tình hình tôm chết và huy động tổng lực cứu tôm tại nhiều tỉnh. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa như mong muốn.

Tại tỉnh Trà Vinh, tính đến hết tháng 8, diện tích tôm chết đã lên đến gần 9.000 ha, thiệt hại khoảng 15.000 tấn tôm thương phẩm, tương đương gần 2.300 tỷ đồng; nhiều nông dân tiếp tục thả nuôi lấp vụ gần 5.886 ha tôm, nhưng tôm vẫn chết tràn lan. Tại tỉnh Sóc Trăng, huyện Trần Đề đã có khoảng 90% trong số 3.000 ha nuôi thâm canh bị thiệt hại.

Từ đầu năm đến nay, diện tích tôm chết tại ĐBSCL đến vài chục nghìn ha, thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng. Đã có nhiều nhà khoa học trong ngoài nước, lãnh đạo bộ, ngành, viện, trường… liên quan tổ chức khảo sát, tìm nguyên nhân và đưa ra phác đồ điều trị… nhưng tình thế nhìn chung vẫn bế tắc. Đến thời điểm này, việc khống chế dịch bệnh tôm vẫn bất thành.

Việc các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản nhập tôm nguyên liệu nước ngoài về sản xuất đã diễn ra nhiều năm nay. Trước đây do nhu cầu xuất khẩu tăng mà nguồn nguyên liệu trong nước (chủ yếu tôm sú) ít, các doanh nghiệp phải tăng cường nhập, dù với giá cao hơn. Nhưng đến nay, bất chấp vụ thu hoạch trong nước đang diễn ra, nỗ lực nhập khẩu vẫn không giảm. Đặc biệt tôm thẻ chân trắng đã được nuôi đại trà ở ĐBSCL với sản lượng lớn, nhưng nhiều doanh nghiệp chế biến vẫn nhập khẩu (từ Thái Lan, Ấn Độ) với lý do “giá tôm nhập khẩu thấp hơn giá thu mua trong nước” và “đảm bảo vấn đề dư lượng kháng sinh”.

Giá bán thấp hơn giá thành sản xuất, người nuôi tôm trong nước vẫn đang thua lỗ – Ảnh: Phan Thanh Cường      

Theo cơ quan chức năng Thái Lan, chỉ 4 tháng đầu năm 2012, lượng tôm nguyên liệu xuất sang Việt Nam đã gần 3.000 tấn, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2011. Giá tôm thẻ chân trắng của Thái Lan thấp hơn giá tôm cùng loại ở ĐBSCL khoảng 1 USD/kg (khoảng 30%).

Thực tế tôm nuôi trong nước dù bán giá cao hơn tôm Thái Lan nhưng người nuôi vẫn lỗ, giá bán thấp hơn giá thành sản xuất.

Một lý do khiến giá thành tôm nuôi ở ĐBSCL cao là: nghề nuôi tôm đang lệ thuộc nước ngoài. Các yếu tố đầu vào (chiếm 70 – 80% giá thành) như con giống, thức ăn, thuốc trị bệnh… phần lớn dựa vào doanh nghiệp nước ngoài hoặc có vốn đầu tư nước ngoài.

Nhiều người nuôi cho biết, các năm trước, dù giá thức ăn tôm tăng nhiều nhưng nông dân không phải lo lắng, do giá tôm thương phẩm cao. Tâm lý chung này khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản tích cực tăng giá bán, để rồi “quên” giảm. Năm nay khác, khi giá tôm giảm mạnh, giá thức ăn tăng một chút cũng khiến người nuôi lao đao.

Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng hàng năm vẫn phải nhập khẩu 2 – 2,5 triệu tấn khô dầu đậu nành, khoảng 1 triệu tấn ngô, gần 3 triệu tấn cám gạo, bột cá và thức ăn bổ sung… nên không thể tự quyết định giá thành sản phẩm chế biến.

Theo Bộ Công thương, từ đầu năm đến nay giá thức ăn thủy sản đã tăng 2 lần, mỗi lần 250 – 300 đồng/kg đối với thức ăn cá tra và 800 – 1.000 đồng/kg đối với thức ăn tôm. Hiện, giá thức ăn tôm sú 35.500 – 37.000 đồng/kg; giá thức ăn tôm thẻ chân trắng 27.500 – 28.500 đồng/kg, tăng gần 40% trong vòng 3 tháng qua.

 

Xử lý quá chậm

Vụ Nuôi trồng Thủy sản cho biết, tính đến hết tháng 8, diện tích thiệt hại do tôm bị nhiễm bệnh là 68.909 ha, tăng 750 ha so với tháng 7 và bằng gần 90% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tôm chết liên tục, đẩy nhiều hộ nuôi vào tình trạng suy kiệt, nhiều hộ không còn khả năng tái sản xuất (vì phần lớn đất khoán đã thế chấp ngân hàng), ngay cả nhiều đại gia nuôi tôm cũng lâm cảnh hấp hối.

Các cơ quan đơn vị liên quan đã huy động cao độ lực lượng, phối hợp với các tổ chức, chuyên gia quốc tế tìm nguyên nhân gây bệnh, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có kết luận, trong khi bệnh tôm vẫn diễn biến phức tạp. Nghi ngờ tôm bị bệnh do Cypermethrin, nhưng Cypermethrin từ đâu ra thì chưa ai trả lời được. Con tôm bị bệnh có những loại virus, vi khuẩn nào, trong nước ao tôm bị bệnh có những hóa chất gì, đến giờ cũng chưa biết. 

Mới đây, tại cuộc họp báo cáo tình hình nghiên cứu và phòng chống dịch bệnh tôm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu bức xúc: “Nghiên cứu mãi vẫn thấy thực trạng, chưa chỉ ra được nguyên nhân gì thì rất mất uy tín cả cơ quan quản lý nữa”.

>> Theo VASEP, tính đến giữa tháng 9, xuất khẩu tôm cả nước đạt 1,5 tỉ USD, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng thị trường Nhật Bản tăng trưởng gần 12%, các thị trường khác đều giảm khá mạnh, cụ thể, xuất Mỹ giảm 17%, EU giảm 25%.

Hồng Hà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!