Khuyến ngư cùng nông dân làm giàu bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

Bên cạnh thúc đẩy nâng cao năng suất thủy sản, đa dạng hóa loài nuôi giá trị, công tác khuyến ngư hiện nay còn hướng đến nhu cầu thị trường, giúp người dân yên tâm sản xuất.

Hiệu quả rõ

Tại tỉnh Hà Tĩnh, khuyến ngư đang phát triển mạnh, nhiều mô hình hiệu quả, góp phần đa dạng hóa loài nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân. Đến nay nhiều tổ chức, cá nhân trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư thêm vốn và kỹ thuật chuyển đổi từ nuôi tôm quảng canh cải tiến, bán thâm canh sang nuôi tôm thâm canh công nghệ cao trên cát, đưa diện tích nuôi tôm theo hình thức mới hiệu quả này lên 431 ha. Tại các huyện Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, thành phố Hà Tĩnh… đã có nhiều mô hình nuôi tôm thâm canh trên cát cho năng suất cao với 15 – 20 tấn/ha/vụ, còn nuôi tôm trong ao đất có quạt nước cũng đạt bình quân 5 – 8 tấn/ha/vụ… Trên địa bàn tỉnh hiện có 18 HTX nuôi trồng thủy sản, trung bình mỗi HTX có diện tích 4 – 5 ha, sản lượng 25 tấn/ha. Trong đó, một đơn vị được chứng nhận VietGAP là HTX Nuôi trồng Thủy sản Xuân Thành (Nghi Xuân) với diện tích 7 ha…

khuyến ngư cùng nông dân làm giàu bền vững

Nuôi tôm áp dụng VietGAP đem lại hiệu quả cao, bền vững – Ảnh: Vũ Mưa

Tại tỉnh Tiền Giang, trong một năm đã xây dựng 11 điểm trình diễn thuyết phục. Mô hình nuôi tôm sú của khuyến ngư cho lợi nhuận 400 triệu đồng/ha. Đặc biệt mô hình ở đây nuôi ghép tôm sú và tôm thẻ chân trắng, trong đó tôm thẻ chân trắng không phải cho ăn mà chúng chỉ ăn thức ăn thừa do tôm sú để lại, vừa tiết kiệm thức ăn vừa bảo vệ tốt môi trường. Mô hình nuôi cá rô đồng kết hợp trồng lúa cho năng suất 3,9 tấn/ha, lợi nhuận 40 triệu đồng/ha.

Các tỉnh ĐBSCL đang triển khai khuyến ngư theo các hướng trọng tâm, như ở Bạc Liêu đang đẩy mạnh nuôi tôm quảng canh cải tiến, kết hợp khoa học kỹ thuật, tăng năng suất. Khuyến ngư Cà Mau tăng cường tìm hiểu, giới thiệu mô hình nuôi tôm công nghiệp. Còn tại các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Nghệ An, Thanh Hóa… có nhiều mô hình và kỹ sư để phát triển vùng chuyên canh tôm và chuyển dần sang nuôi tôm công nghiệp liên kết với nhà máy.

 

Từ phụ thuộc đến làm chủ thị trường

Trước đây, theo đánh giá của nhiều cán bộ ngành khuyến nông, nhiều mô hình triển khai thành công, đem lại hiệu quả kinh tế, nhưng chưa được áp dụng rộng rãi. Không ít mô hình đầu tư manh mún, dàn trải, thiếu định hướng thị trường để phát triển lên quy mô sản xuất hàng hoá; trong khi đó đầu ra sản phẩm chưa ổn định. Do vậy, nhiều mô hình sau khi được nhân rộng, nông phẩm thừa, được mùa thì mất giá.

Ông Lê Thanh Hảo, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Vĩnh Phúc, cho rằng điểm yếu chung của hoạt động khuyến nông hiện nay là mới dừng ở “trình diễn”, tạo ra sản phẩm mà chưa giải quyết được đầu ra – khâu quan trọng nhất quyết định đến thành bại mô hình. Các mô hình của tỉnh mới chủ yếu theo 3 hướng: chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới; nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế các loại cây trồng, vật nuôi; sản xuất sản phẩm an toàn gắn với bảo vệ môi trường. “Đây cũng là tình trạng chung các mô hình khuyến nông trên cả nước. Phải có đầu ra ổn định thì người dân mới nhiệt tình tham gia, không cần tuyên truyền họ cũng làm, chứ không phải “mời” họ như hiện nay.

Là người tham gia mô hình trình diễn, ông Võ Công Thanh, xóm Mới, xã Bình Trung (Bình Sơn, Quảng Ngãi) chia sẻ: “Không bán được sản phẩm thì nhân rộng mô hình sản xuất làm gì?”. Mô hình trình diễn lúc nào cũng hấp dẫn. Nào là đối tượng nuôi tốt, năng suất cao, sản phẩm được thị trường ưa chuộng… nhưng đó là lúc chúng tôi sản xuất để… ăn, chứ bán thì chỉ được lúc đầu, sau chẳng ai mua. Vậy nên sau khi làm xong mô hình, đầu ra sản phẩm cho nông dân thì dừng lại. Như kiểu trình diễn xong rồi… bỏ, phí lắm”.

Năm 2015, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thực hiện đề án đổi mới khuyến nông; trong đó khuyến ngư tập trung vào các đề án tái cơ cấu; như tuyên truyền, tập huấn, tư vấn phải tập trung vào những đối tượng cây trồng, vật nuôi, chế biến nông sản – những chủ trương của tái cơ cấu, chứ không phải làm phân tán, dàn trải. Trong các hoạt động 4 “trụ cột” đó, phải đổi mới cách tiếp cận.

Thực hiện đề án, TS Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Nếu trước đây, chúng ta tiếp cận theo cách từng kỹ thuật đơn lẻ, nay phải tiếp cận theo gói kỹ thuật tổng thể, gọi là tiếp cận hệ thống. Trước đây chúng ta tiếp cận chỉ kỹ thuật riêng thì bây giờ tiếp cận cả góc độ kỹ thuật và kinh tế. Kinh tế ở đây là tổ chức sản xuất và gắn với thị trường tiêu thụ, tức là khuyến cáo nông dân, tuyên truyền nông dân xây dựng mô hình. Kể cả thông tin đào tạo, không chỉ có nâng cao kiến thức về kỹ thuật cho người dân mà còn nâng cao kiến thức về kinh tế, khả năng tiếp cận thị trường. Qua đó, người ta biết cách tìm hiểu thị trường ở đâu, biết cách tính toán hiệu quả kinh tế trước khi tiến hành ứng dụng mô hình, tiến bộ kỹ thuật.

Từ cách tiếp cận từng hộ đơn lẻ sang cách tiếp cận nhóm và cộng đồng  nông thôn theo cách thức liên kết sản xuất. Không chỉ một hộ được biết, mà cần hướng dẫn cả nhóm, tổ trong cộng đồng, nâng cao nhận thức, tập huấn, tuyền truyền… tạo điều kiện liên kết với nhau, liên kết với các doanh nghiệp, trong thủy sản là nuôi trồng tập trung, áp dụng VietGAP.

Nhờ những hoạt động đổi mới, trong năm qua, nhiều mô hình, dự án khuyến nông đã trở thành các điểm trình diễn, thu hút sự quan tâm của đông đảo nông dân, ngư dân.

Ts phan huy thông giám đốc trung tâm khuyến nông quốc gia>> TS Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: Không chỉ tiếp cận ở phạm vi kỹ thuật và kinh tế (tổ chức sản xuất và gắn với thị trường tiêu thụ), việc nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến ngư địa phương đặc biệt quan trọng. Yêu cầu của ngư dân ngày càng cao. Lực lượng khuyến ngư cần phải có kiến thức cả về văn hóa, thị trường, sản xuất, an toàn thực phẩm… để tiếp cận người dân, tư vấn cho nông dân, giúp nông dân tiếp cận thị trường.

Vũ Mưa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!