Khuyến nông: “Kết nối hệ thống – Đổi mới, sáng tạo”

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nhằm phục vụ “Chiến lược phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, hệ thống khuyến nông từ Trung ương đến địa phương đã và đang đổi mới một cách toàn diện. Trong đó, phải đổi mới cách tiếp cận trong công tác khuyến nông theo hướng đa giá trị, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp… Nhân dịp Xuân Quý Mão, Thủy sản Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Quốc Thanh (ảnh), Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia để hiểu thêm về những điều này.

PV: 2022 là năm khó khăn với ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực thủy sản nói riêng. Mặc dù vậy ngành thủy sản cũng đã có những bước đột phá ngoạn mục, lần đầu cán mốc kim ngạch xuất khẩu đạt trên 11 tỷ USD. Góp phần vào thành công đó đến từ hoạt động khuyến ngư thực hiện nhiệm vụ Bộ NN&PTNT giao. Chia sẻ của ông về điều này?

Năm qua, công tác khuyến ngư đã đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, tổ chức lại sản xuất cho các cơ sở nuôi và HTX thông qua các Dự án: Ứng dụng công nghệ 4.0, công nghệ nuôi 2 – 3 giai đoạn, công nghệ sinh học phát triển nuôi TTCT, tôm sú, tôm càng xanh và ương giống cá tra giúp tăng năng suất, chất lượng tôm và cá tra, giảm vật tư đầu vào nâng cao tỷ lệ sống, hạn chế dịch bệnh, hiệu quả tăng cao trên 20% năng suất TTCT nuôi thâm canh đạt trên 20 tấn/ha, phù hợp áp dụng nuôi tôm vụ đông tại các tỉnh phía Bắc.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia kiểm tra mô hình nuôi cá lồng ở Lai Châu. Nguồn: TTKNQG

Bên cạnh hoạt động của Dự án, Trung tâm đã tổ chức 8 sự kiện khuyến nông (3 diễn đàn; 3 tọa đàm; 1 hội nghị và 1 hội thảo) với 1.413 đại biểu của 42 lượt tỉnh/thành tham dự. Đặc biệt nhằm phát huy lợi thế về biển và thực hiện Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 04/10/2021 về phê duyệt đề án nuôi biển, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tích cực chuyển giao, ứng dụng công nghệ lồng nhựa HDPE vào nuôi biển. Mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo được phong trào phát triển nuôi biển tập trung, giảm thiểu rủi ro, nâng cao giá trị nuôi biển, giảm khai thác xa bờ, bảo tồn hệ sinh thái ven bờ, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

PV: Trong thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã có những bước đột phá gì trong việc thay đổi tư duy khuyến nông theo cách thức hoàn toàn mới, thưa ông?

Chúng ta đang thực hiện “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” vừa được Chính phủ phê duyệt, chuyển đổi tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”, xây dựng nền “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” hướng đến các mục tiêu về phát triển bền vững.

Muốn vậy cần củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức khuyến nông các cấp từ Trung ương đến địa phương theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, đặc biệt chú trọng kiện toàn hệ thống khuyến nông cơ sở theo mô hình tổ khuyến nông cộng đồng, nhằm đẩy mạnh hoạt động tư vấn, dịch vụ khuyến nông, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn sản xuất. Ðẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ khuyến nông, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khuyến nông.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, góp phần thay đổi “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp” cho không chỉ người sản xuất mà cả mạng lưới khuyến nông cơ sở. Đồng thời, cần chủ động, tích cực trong các hoạt động hợp tác quốc tế và hợp tác công – tư về khuyến nông. Nhất là thu hút các nguồn lực, kinh nghiệm và đẩy mạnh hợp tác, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến từ nước ngoài áp dụng vào Việt Nam; cũng như nâng cao năng lực, trình độ cho người làm công tác khuyến nông, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị nguồn lực cần thiết…

PV: Với phương châm “lực lượng khuyến nông là nòng cốt”, để nâng cao năng lực đội ngũ khuyến nông, đáp ứng được mục tiêu của ngành, những giải pháp cần thực hiện là gì, thưa ông?

Ngày 25/3/2022, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 1094/QĐ-BNN-KN phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông”, trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng. Tổ khuyến nông cộng đồng là cầu nối giữa cán bộ khuyến nông, nông dân, HTX và nhà quản lý, doanh nghiệp, giúp gia tăng giá trị nông sản, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững… Hiểu rõ vai trò này nên thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước đã thành lập tổ khuyến nông cộng đồng, cùng các quy chế hoạt động theo kèm.

Để Tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả, thời gian tới Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ trình lãnh đạo Bộ về cơ chế chính sách cụ thể; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông cộng đồng như: kiến thức về HTX, về thị trường và liên kết sản xuất, các kiến thức về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc…

PV: Vậy trong năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động khuyến ngư sẽ tập trung vào vấn đề gì, thưa ông?

Năm 2023, hoạt động khuyến nông nói chung và khuyến ngư nói riêng sẽ chú trọng vào các nội dung trọng tâm như: sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, theo tiêu chuẩn VietGAP/VietGAHP, đảm bảo ATTP và bảo vệ môi trường gắn với chuyển đổi số, liên kết thị trường.

Đẩy mạnh công tác chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển nuôi biển; ưu tiên phát triển các mô hình nuôi biển gần bờ và phát triển công nghiệp nuôi biển xa bờ ứng dụng công nghệ lồng HDPE; để nâng cao giá trị nuôi biển, giảm khai thác xa bờ, bảo tồn hệ sinh thái ven bờ, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Hợp tác PPP trong liên kết tổ chức sản xuất theo chuỗi, kinh tế hợp tác, nhằm xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng các vùng sản xuất có mã số vùng nuôi; sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, cấp chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn quy định, tạo vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước các sản phẩm chủ lực của ngành.

Nâng cao trình độ năng lực cho ngư dân, hướng dẫn ngư dân về quy định pháp luật thủy sản, chống khai thác IUU, quy trình kỹ thuật nuôi, để bà con ngư dân yên tâm sản xuất, vươn khơi bám biển.

Tăng cường các hoạt động thông tin truyền thông về kết quả, hiệu quả các chương trình, dự án thủy sản trên các phương tiện truyền thông, tổ chức các diễn đàn, tọa đàm khuyến nông; nhằm thay đổi tư duy, nhận thức, nâng cao giá trị, phát triển bền vững nghề thủy sản, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Với phương châm “Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông”, người nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Mọi hoạt động khuyến nông cần phải hướng tới người nông dân, xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của nông dân và phù hợp với năng lực, điều kiện sản xuất của nông dân. Khuyến nông không chỉ dừng lại ở làm nông nghiệp, mà phải hướng dẫn nông dân tổ chức lại sản xuất, vào kinh tế tập thể, tổ chức lại theo chuỗi ngành hàng. Khuyến nông phải nâng cao tri thức của người nông dân, cung cấp nhiều kiến thức, nhiều kỹ năng, nhiều thông tin cần thiết cho người dân”.

Vũ Mưa

Thực hiện

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!