Chiều 3/2, tại Hà Nội, Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị với sự tham dự của đại diện các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để đề xuất các giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam trong tình hình mới với những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh.
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona tác động tới tất cả các ngành kinh tế, nhưng nông nghiệp sẽ là ngành chịu tổn thương lớn nhất. Bởi, Trung Quốc là thị trường lớn của nông sản Việt Nam, chiếm 22 – 24% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản nước ta; trong đó, nhiều mặt hàng chiếm tỷ trọng cơ bản như rau, quả.
Với thủy sản, những tháng đầu năm 2020, Trung Quốc đã thông báo tạm dừng khiến xuất khẩu mặt hàng này gặp khó khăn về thời điểm giao hàng. Cụ thể, nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc đã thông báo cho doanh nghiệp Việt Nam tạm dừng giao hàng cho đến hết ngày 9/2/2020 hoặc đến khi có thông tin bình thường hóa các hoạt động trở lại từ Chính phủ Trung Quốc.
Đại diện VASEP cho biết, rủi ro nhưng cũng có một số cơ hội. Trước hết là chuẩn bị hàng đồ hộp, đông lạnh, khi sẽ có những sự điều chỉnh văn hóa tiêu dùng rõ rệt, không ăn sống nhiều, hàng tươi sẽ ít đi, nhưng hàng đồ hộp, đông lạnh sẽ có nhu cầu lớn. Thứ hai, một số ngành Trung Quốc đang cạnh tranh với Việt Nam như cá ngừ. Hiện nay, các nước không mua cá ngừ Trung Quốc nên giá giảm sâu, các doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam coi đây là cơ hội gia tăng thị phần, giá cả.
Bộ NN&PTNT cũng đưa ra hai kịch bản ứng phó với corona. Trong đó, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và các cục chuyên ngành sẽ chủ động phối hợp với cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại các nước trên thế giới triển khai toàn diện, đạt hiệu quả cao nhất về xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm, tiềm năng và thị trường ngách ngay từ đầu năm 2020, tạo sự đột phá trong đa dạng hóa thị trường. Nếu dịch kéo dài, Bộ sẽ phối hợp các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp… đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn. Ngoài ra, ưu tiên thị trường nội địa; khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản.