Kiểm soát các loài địch hại trong ao nuôi tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Các loài địch hại trong ao nuôi không chỉ cạnh tranh với tôm về môi trường sống, thức ăn, làm hao hụt tôm mà chúng còn là vật trung gian truyền bệnh nguy hiểm như ký sinh trùng, nấm, virus… Vì vậy, cần phải quản lý tốt địch hại ngay từ ban đầu khi chuẩn bị nuôi.

Các loài cá ăn mồi

Đây là những loài có sức tàn phá lớn đối với tôm con, gồm những loài cá phàm ăn như cá chẽm, cá măng, rô phi, cá tráp… đây là những loài rất có hại cho ấu trùng tôm và tôm post. Bên cạnh đó, một số loài cạnh tranh không gian và thức ăn của tôm như cá đối, cá mòi…

Đối với những loài cá này thì có thể hạn chế bằng cách lấy nước vào và lọc qua lưới hoặc túi lọc có kích thước nhỏ và diệt tạp bằng hóa chất Saponin.

 

Nước cấp vào ao nuôi tôm cần được lọc qua lưới mắt nhỏ

Các loài giáp xác

Cua còng, ghẹ, bề bề… trong ao là những kẻ săn mồi và cạnh tranh gây thiệt hại lớn đối với tôm. Chúng còn là nguyên nhân gây sạt lở bờ và rò rỉ nước ở hồ nuôi. Đặc biệt, chúng là vật chủ trung gian lây truyền nhiều loại bệnh nguy hiểm cho tôm. Tuy nhiên trong quá trình diệt tạp thì hầu như loài này không bị tiêu diệt vì Saponin chỉ diệt được cá mà không diệt được giáp xác. Vì vậy, để hạn chế loài này thì khi lấy nước vào ao cần phải được lọc kỹ qua túi lọc để trứng của giáp xác không vào trong ao. Trong quá trình cải tạo ao có thể dùng đất đèn (canxi cacbua) cho vào lỗ cua rồi đổ nước vào để tiêu diệt.

Trong quá trình nuôi có thể dùng lưới có mắt lưới lớn để bắt ghẹ, cua trong ao tôm.

 

Các loài động vật thân mềm

Ốc là loài địch hại cạnh tranh thức ăn tự nhiên trong ao nuôi và là một trong những nguyên nhân làm giảm độ kiềm gây hiện tượng khó lột và mềm vỏ ở tôm. Biện pháp kiểm soát loại địch hại này là lọc nước kỹ trước khi cấp vào ao. Khi ốc đã phát sinh trong ao có thể dùng vôi rải ven bờ tiếp giáp với mặt nước, kết hợp với sử dụng các chất diệt khuẩn định kỳ như BKC, Virkon… hoặc bắt bằng tay.

>> Hiện nay, trên thị trường tồn tại nhiều loại thuốc diệt tạp có nguồn gốc Saponin có thể diệt những loài địch hại trong ao nuôi. Bên cạnh đó, người nuôi có thể dùng một số loại thảo mộc như cây sở, cây thuốc cá, cây bồ hòn, cây thàn mát để diệt tạp và ít gây độc hại cho tôm và môi trường.

 

   Nguyễn Minh 

“Phương pháp nuôi lươn”

Con lươn – một thủy đặc sản có giá trị về dinh dưỡng và kinh tế cao. Để giúp người dân nắm bắt về phương pháp nuôi đối tượng này, Kỹ sư thủy sản Nguyễn Việt Thái (tác giả Việt Chương) đã cho ra đời cuốn sách “Phương pháp nuôi lươn” dày 96 trang. Cuốn sách cung cấp cho người nuôi hiểu được tập tính của lươn, cách đào ao, xây hồ, sinh sản nhân tạo, thu vớt giống tự nhiên, kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho lươn… Sách do Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh phát hành.

Bạn đọc quan tâm có thể tìm mua sách tại các nhà sách trên toàn quốc hoặc qua địa chỉ: www.vinabook.com hoặc www.davibooks.vn.

                                                                               Đoàn Quân

 

            

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!